BĐS tuần qua: TP. HCM 'khai tử' 61 dự án chậm triển khai, Hà Nội sẽ ‘thay chủ’ KĐT Thanh Hà - Cienco 5?

Lệ Chi - 12/12/2020 10:57 (GMT+7)

(VNF) - Thanh Hóa quy hoạch 2 khu đất gần 1.500ha làm siêu dự án ven biển Sầm Sơn; TP. HCM hủy bỏ 61 dự án chậm triển khai, nhiều dự án nằm trên 'đất vàng'; Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Thủ Đức... là những thông tin bất động sản đáng chú ý tuần qua.

VNF
Sau khu đô thị Mỹ Hưng, Hà Nội sẽ ‘thay chủ’ tại khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5?

Thanh Hóa quy hoạch 2 khu đất gần 1.500ha làm siêu dự án ven biển Sầm Sơn

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu A - Khu trung tâm dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đô thị TP. Sầm Sơn.

Theo đó, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc một phần địa giới hành chính của các phường Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn và Quảng Cư, TP. Sầm Sơn. Phía bắc giáp Sông Mã; phía nam giáp núi Trường Lệ, phường Trường Sơn; phía đông giáp Biển Đông; phía tây giáp đường Nguyễn Du.

Diện tích lập quy hoạch là gần 735ha, trong đó, phường Trường Sơn 31,2ha; phường Bắc Sơn 51,3ha; phường Trung Sơn 94,4ha; phường Quảng Cư 557,9ha. Quy mô dân số hiện trạng là 24.000 người, dự kiến đến năm 2040 khoảng 50.000 người.

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu H - Khu trung tâm thương mại và các đô thị mới thành phố Sầm Sơn.

Theo phê duyệt, diện tích lập quy hoạch khoảng 744,27ha thuộc địa bàn 3 phường: Quảng Châu (336,48ha), Quảng Thọ (384,03ha) và Quảng Vinh (23,76ha), thành phố Sầm Sơn. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 là 40.000 người.

Dự án có phía bắc giáp đại lộ Nam sông Mã, phân khu E; phía nam giáp phân khu F, dự án của Tập đoàn Mặt Trời; phía đông giáp dự án của Tập đoàn Mặt Trời; phía tây giáp xã Quảng Tâm, Quảng Cát, huyện Quảng Xương.

Về tính chất, đây là trung tâm hành chính - chính trị mới của thành phố Sầm Sơn, trung tâm tài chính, thương mại; các khu đô thị mới và khu nhà ở đô thị cải tạo chỉnh trang. (Xem thêm)

'Giá nhà đất trung tâm Hà Nội tăng tới 33 lần sau 2 thập kỷ'

Theo số liệu của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 2002 có giá bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2. Sang đến năm 2020, giá nhà bình quân khu vực này đã lên tới 360 triệu đồng/m2.

“Giá nhà đã tăng tới 33 lần sau 18 năm. Đây là mức tăng rất lớn”, ông đánh giá.

Sếp Batdongsan.com.vn cũng làm một phép so sánh giá vàng với giá bất động sản cũng trong giai đoạn này. Kết quả cho thấy, trong khi giá nhà quận trung tâm tăng tới vài chục lần thì giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần.

Ngoài ra, báo cáo từ kênh bất động sản này cũng đề cập đến chỉ số giá bất động sản tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam trong năm 2020 là Hà Nội và TP. HCM, qua đó cho thấy những biến động khá thú vị.

Theo dữ liệu, khu vực phía Bắc có lượng tin đăng, quan tâm tốt hơn so với khu vực phía Nam. Song song với đó, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội.

Cùng với xu hướng này, chỉ số giá tại Hà Nội cũng tăng lên trong năm 2020, trong khi nhiều năm trước giá đi ngang. Còn tại TP. HCM, giá bất động sản có xu hướng chững lại sau nhiều năm tăng trưởng nhanh.

“Nhiều chủ đầu tư TP. HCM muốn 'Bắc tiến', dòng tiền có xu hướng quay trở lại Hà Nội nên giá cũng có xu hướng nhích lên”, ông Quốc Anh nói và cho biết tại Hà Nội, bất động sản khu vực Hà Đông ghi nhận mức tăng khá cao (Xem thêm)

TP. HCM hủy bỏ 61 dự án chậm triển khai, nhiều dự án nằm trên 'đất vàng'

Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 9/12 đã thông qua nghị quyết hủy bỏ việc thu hồi đất cho 61 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất vào các năm 2015, 2016, 2017 do đã quá 3 năm chưa triển khai thực hiện.

Đáng chú ý trong đó là các dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão do dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện; dự án Khu phức hợp Đồng Khởi – Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế do UBND TP. HCM chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ... đều trên các khu "đất vàng".

Trong đó, 43 dự án thuộc danh mục thu hồi đất (không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa), 8 dự án thuộc danh mục thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và 10 dự án thuộc danh mục có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (có 1 dự án trên 10ha).

Đối với 61 dự án bị hủy bỏ này, Hội đồng nhân dân giao UBND TP. HCM công bố công khai hủy bỏ việc thu hồi đất đúng quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, chỉ đạo sở - ngành phối hợp quận huyện tiếp tục rà soát các dự án không triển khai, chậm triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời theo luật định. (Xem thêm)

Sau khu đô thị Mỹ Hưng, Hà Nội sẽ ‘thay chủ’ tại khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5?

Ngày 27/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 5269/QĐ-UBND về điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây).

Tại điều 1, quyết định này nêu: “Điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi hơn 182ha đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP).

Đáng chú ý, tại quyết định này, UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả thực hiện, tổng hợp trình UBND thành phố điều chỉnh tên người sử dụng đất tại các quyết định giao đất số 3129/QĐ-UBND,  số 3130/QĐ-UBND ngày 30/7/2008; Quyết định số 3131/QĐ-UBND ngày 30/7/2008; Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 31/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây); Quyết định số 4689/QĐ-UBND ngày 11/9/2009, Quyết định 3924/QĐ-UBND ngày 3/8/2009 theo đúng quy định.

Theo tài liệu của VietnamFinance, Quyết định số 3129/QĐ-UBND và Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây nói trên chính là quyết định thu hồi 387ha đất trên địa bàn xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), xã Phú Lương, xã Kiến Hưng (TP. Hà Đông), chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp, giao Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thanh Hà A - Cienco 5, Thanh Hà B - Cienco 5.

Còn Quyết định số 3131/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây chính là quyết định thu hồi hơn 43.000m2 đất trên địa bàn xã Phú Lương, TP. Hà Đông, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp, giao Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.

Tiếp đó, Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 31/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây cũng là quyết định thu hồi 78,2ha đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu, chuyển mục đích sử đất thành đất phi nông nghiệp, giao Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây. (Xem thêm)

Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Thủ Đức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 51 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM vào chiều 9/12.

Thành phố Thủ Đức sẽ có Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức (VKSND) và gồm 34 phường.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM thực hiện trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.

Theo đó, thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Thành phố Thủ Đức gồm khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như: cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1K, quốc lộ 52...

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thủ Đức như sau: Nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; Quận 1, Quận 4 và quận Bình Thạnh.

Cùng với đó, thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An. Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người. Phường An Khánh giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; Quận 7 và quận Bình Thạnh. (Xem thêm)

Doanh nghiệp 2 tháng tuổi muốn quy hoạch khu công nghiệp, đô thị Dung Quất II rộng 1.145ha

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vừa có buổi làm việc với Tổng công ty đầu tư Hợp Nghĩa để nghe báo cáo báo ý tưởng đề xuất quy hoạch dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Dung Quất II.

Theo đề xuất của Hợp Nghĩa, dự án có diện tích nghiên cứu quy hoạch 1.145ha, trong đó khu công nghiệp có diện tích hơn 964ha (thuộc địa phận xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh; xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn và xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi) và khu đô thị - dịch vụ trên 181ha (thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh).

Đối với khu đô thị - dịch vụ, công ty sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiện ích hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ, đô thị, nhất là nhà ở cho các chuyên gia, công nhân đang làm việc tại khu kinh tế Dung Quất…

Trước đề xuất của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định đây là dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Để thực hiện được ý tưởng này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư lập phương án đề xuất phù hợp với định hướng phát triển của khu kinh tế Dung Quất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sát thực tiễn và mang tính khả thi cao.

Theo tìm hiểu, Tổng công ty đầu tư Hợp Nghĩa được thành lập ngày 1/10/2020, có địa chỉ tại số 308 Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi. Người đại diện pháp luật là ông Lê Đăng Triều (sinh năm 1981, quê Nghệ An). (Xem thêm)

Phá dỡ chung cư cũ: HoREA đề xuất chỉ cần tối thiểu 75% chủ sở hữu đồng ý

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (dự thảo Nghị định 101).

HoREA cho rằng để thu hút các nhà đầu tư trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư (nhà tập thể) cũ, cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Nghị định 101 một số quy định còn vướng mắc.

Cụ thể, trước đây, Luật Nhà ở 2005 quy định có tối thiểu 2/3 (66,6%) chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ nhà chung cư là quyết định có hiệu lực; quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư đều được đảm bảo như nhau. Nhưng nay, khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 quy định phải được tất cả (100%) các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới mới được phá vỡ.

Theo HoREA, quy định này không sát với thực tiễn và không có tính khả thi. Lẽ ra, luật chỉ nên quy định đa số tuyệt đối ở mức cao, khoảng 75% (hoặc 80%) chủ sở hữu thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới.

Một nội dung đáng chú ý khác cũng được HoREA đề xuất là tiền sử dụng đất. Cụ thể, trong 5 năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về công sản - ngành Tài chính đã không đồng ý miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất được giao trong phạm vi dự án xây dựng lại nhà chung cư. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.