Thứ trưởng Vũ Đại Thắng: ‘GDP có thêm 162 tỷ USD nếu chuyển đổi số thành công’

Lệ Chi - 02/05/2019 10:08 (GMT+7)

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết như vậy trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, diễn đàn về phát triển hạ tầng số, xây dựng và phát triển dữ liệu mở, thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập xác thực và định danh điện tử diễn ra sáng nay (2/5).

VNF
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp...

Ông Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Trong sự biến chuyển này, Thứ trưởng nhấn mạnh doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

Về phía Chính phủ, việc cần thiết là chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số.

"Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng nhấn mạnh tới 4 chính sách để phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Một là, xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số...; cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.

Hai là, phát triển hạ tầng kết nối. Theo đó, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế; xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.

Ba là, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng chính sách, thể chế cho hoạt động thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia trên cơ sở bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực các chuyên ngành an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí... để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm.

Cùng chuyên mục
Tin khác