Thủ tướng đối thoại với hơn 20 tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới tại WEF

Hồ Mai (Tổng hợp) - 19/01/2017 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 18/1 (giờ địa phương), tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực tài chính với sự tham dự của Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler, do Vinacapital chủ trì tổ chức.

Theo TTXVN, tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua.

Theo đó, năm 2016, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, GDP tăng trưởng hơn 6,21%; GDP bình quân đầu người gần 2.300 USD, và tính theo sức mua tương đương thì GDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.500 USD. Số lượng doanh nghiệp mới đạt kỷ lục với trên 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập và đã có hơn 22.000 dự án nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn trên 300 tỷ USD của 100 quốc gia. Một điển hình như Quỹ VinaCapital từ 10 triệu USD cách đây 13 năm thì đến nay đã có 3 tỷ USD.

Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler (người bên trái trong ảnh) trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Khẳng định coi trọng đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, đóng góp của FDI rất lớn đối với Việt Nam, chiếm trên 20% GDP. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lợi nhuận cao như bia, sữa… Đặc biệt là nới room nắm giữ cổ phần cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. 

Thủ tướng cũng khẳng định điều quan trọng nhất là ổn định môi trường vĩ mô của Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam đã duy trì kiểm soát lạm phát dưới 5%. Tỉ giá giữ ổn định, dự trữ ngoại tệ ở mức cao.

Cuộc gặp hơn 20 tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới tại Diễn đàn Kinh tế thế giới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đặc biệt là triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký; hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế hưởng ứng và tích cực tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam…

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler bày tỏ vui mừng về việc WEF đã ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP với quốc gia đầu tiên là Việt Nam.

"Qua thỏa thuận đối tác này thì WEF sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong tất cả các ngành cần thiết để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ 4", ông Philip Roesler nói. Đối với các doanh nghiệp thuộc WEF quan tâm đầu tư vào Việt Nam, theo ông Philip Roesler, đây không phải là thỏa thuận, hợp đồng đơn thuần mà "thực sự là một lời hứa". "Tôi xin được khẳng định Việt Nam có một đối tác mạnh mẽ, đó là WEF. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Việt Nam"

Năm nay, WEF thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia trên thế giới, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, đặc biệt là Trung Quốc, Anh... và 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả có uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị Davos 2017 có tổng số 446 phiên họp, với chủ đề là: "Lãnh đạo hành động và có trách nhiệm - Responsive and Responsible Leadership". 

Cùng chuyên mục
Tin khác