Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: 'Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước'

PV - 15/02/2019 19:19 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã có buổi phỏng vấn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Nhật Bản

VNF

Ông Shinzo Abe nói:

"Đến nay, tôi đã là nghị sĩ quốc hội được 25 năm. Vào thời điểm lần đầu tiên được bầu làm nghị sĩ, tôi và một số nghị sĩ khác đã đi thăm đất nước các bạn và nhận được sự đón tiếp rất nồng ấm của Chính phủ Việt Nam. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ những tình cảm đó. Khi ấy, Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới, kinh tế đã phát triển rất năng động.

Năm 2006, trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của mình, tôi đã thăm Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện nay, tôi đã thăm 4 lần với tư cách Thủ tướng Nhật Bản. Mỗi lần đến với đất nước các bạn, tôi đều rất vui mừng khi chứng kiến sự phát triển đầy năng động.

Đặc biệt, vào chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2017, tôi đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời đến Hội An, quê nhà của Thủ tướng. Chúng tôi đã đi dạo phố cổ Hội An, thăm cầu Nhật Bản, được thăm một số cửa hàng mà người Nhật Bản ngày xưa đã từng kinh doanh, qua đó một lần nữa tôi hiểu được về lịch sử giao lưu giữa hai nước. Thời điểm năm 2017, Hội An đang gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng sau một trận bão nhưng vẫn có rất nhiều người dân đứng hai bên đường để chào đón chúng tôi. Tôi vô cùng cảm động trước tình cảm đó.

Điểm mấu chốt trong quan hệ đối tác giữa hai nước là mục đích cống hiến cho hòa bình và phồn vinh của khu vực. Hiện nay Việt Nam và Nhật Bản đã có sự giao lưu kinh tế nhân dân và hợp tác kinh tế rất năng động. Ngoài ra, chúng tôi rất muốn hợp tác với Việt Nam để giải quyết những vấn đề về an ninh quốc phòng, những vấn đề khu vực và phát triển kinh tế. Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước". 

- Thưa Thủ tướng, Ngài kì vọng gì về tiềm năng phát triển của mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới?

Quan hệ hai nước phải là mối quan hệ tương trợ, hợp tác, cùng chung sức thực hiện những nhiệm vụ mà hai bên cần làm. Trong ấn tượng của người người Nhật Bản, dân tộc Việt Nam rất cần cù, thông minh, có tính kiên nhẫn cao và đặc biệt người Việt Nam rất tình cảm, ấm áp.

Hiện tại, số công dân qua lại giữa hai nước đã lên tới 1,2 triệu lượt. Đã có 300.000 người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản. Với chúng tôi, những người Việt Nam biết tiếng Nhật, hiểu biết về văn hóa Nhật Bản là những tài sản rất to lớn. Từ ngày 1/4/2019, khi chế độ tiếp nhận người lao động nước ngoài mới có hiệu lực, tôi mong muốn sẽ có nhiều người Việt Nam ưu tú sang Nhật Bản làm việc. 

Nhật Bản sẽ tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo vào năm 2020, tôi rất mong đợi các đội tuyển thể thao Việt Nam sang Nhật Bản tranh tài, cũng như mong đợi có nhiều khách du lịch Việt Nam qua Nhật Bản để đón xem sự kiện thể thao này. Trong môn bóng đá, Việt Nam và Nhật Bản là hai đối thủ cạnh tranh nhau, tôi rất muốn chúng ta cùng động viên, khuyến khích nhau trong rèn luyện để tiến xa hơn nữa. 

Tôi đã mời ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Tôi được biết Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2020. Do đó, tôi mong muốn hai nước cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

- Với việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực, Thủ tướng đánh giá thế nào về tác động của CPTPP với 11 nước thành viên cũng như quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam?

Trong bối cảnh thế giới quan ngại về khuynh hướng bảo hộ lên cao thì sự ra đời của CPTPP là thành quả cực kì quan trọng và có ý nghĩa nhìn từ quan điểm xúc tiến thương mại tự do. Đây đồng thời cũng là kết quả của sự liên kết chặt chẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Khi nghĩ đến CPTPP, nhiều người cho rằng hiệp định này chỉ nhằm dỡ bỏ hàng rào thuế quan nhưng tôi cho rằng đây là hiệp định rất quan trọng và tiến bộ bởi vì nó bao trùm nhiều vấn đề như bảo vệ tài sản trí tuệ, cơ chế lao động, môi trường, qui định cạnh tranh đối với các doanh nghiệp quốc doanh... Do đó tôi nghĩ rằng đây là mô hình kinh tế mới và rất thích hợp với thế kỷ 21. Nhờ đó, một khu vực kinh tế mới sẽ được xây dựng trên nền tảng công bằng và tự do và chính khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi cùng tạo ra mô hình kinh tế đó. 

Nhiều người cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, do đó chúng tôi mong muốn Việt Nam tận dụng được những lợi ích này để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân hơn nữa. Tôi cho rằng CPTPP sẽ thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển hơn nữa. Khi ở Hội An, tôi đã từng được thưởng thức món phở rất ngon và tới nay vẫn nhớ hương vị đó. Nhờ có giao lưu thương mại trong CPTPP, chắc chắn nhiều người hơn nữa trên thế giới sẽ có cơ hội biết đến và được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam, như món phở. 

- Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế năng động của thế giới, Nhật Bản sẽ đóng vai trò như thế nào để cùng các quốc gia khác trong khu vực tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, thưa Thủ tướng?

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình sẽ là nền tảng cho Nhật Bản và Việt Nam phát triển phồn vinh và hòa bình. An ninh vùng biển, vùng trời rộng lớn từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương là nền tảng mang đến hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia. Nhật Bản mong muốn hợp tác cùng tất cả các nước có cùng chung quan điểm để cùng góp sức kiến tạo khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trước hết, chúng ta cùng phải phổ biến, củng cố vững chắc tinh thần thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, tự do thương mại... Thứ hai, chúng ta phải hướng tới mục tiêu tạo ra tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng cường liên kết giữa các quốc gia trong vùng và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thứ ba, chúng ta phải hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình và ổn định thông qua thực thi luật pháp trên biển, xây dựng năng lực viện trợ nhân đạo, cứu hộ cứu nạn...

Nhật Bản mong muốn bắt tay với Việt Nam cùng giải quyết các vấn đề khu vực và kiến tạo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.