Thị trường

Thủ tướng phát lệnh khởi công 2 gói thầu Sân bay Long Thành

(VNF) - Chiều nay 31/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công 3 gói thầu thuộc hai dự án lớn nhất của ACV. Trong đó 2 gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, và gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM.

Thủ tướng phát lệnh khởi công 2 gói thầu Sân bay Long Thành

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng tại sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất (ảnh VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành, tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gói thầu 5.10 thi công nhà ga hành khách và gói thầu 4.6 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay. Hai gói thầu này có tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng.

Ảnh: Thủ tướng dự lễ khởi công 2 gói thầu sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai

Phát biểu tuyên bố khởi công 3 gói thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của 2 dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có ý nghĩa quan trọng với việc kết nối trong nước và quốc tế.

Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.

Phát triển kết cấu hạ tầng vận tải hàng không nhằm tăng cường, mở rộng các phương thức vận tải để chia sẻ, kết nối liên thông trong nước và ngoài nước, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (cả vùng trời, vùng biển và đất liền).

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là 2 dự án đặc biệt lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành được đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng được đánh giá rất hiện đại, sử dụng Công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành với 40 cửa lên máy bay, 72 quầy kiểm tra hộ chiếu.

Ảnh: Nhà ga hành khách sân bay Long Thành được đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng

Theo công suất thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ở giai đoạn 1, sau khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ là sân bay hiện đại hàng đầu trong khu vực với công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Điểm nhấn của nhà ga là khu vực bố trí ô lấy sáng trung tâm (tại khu vực làm thủ tục hàng không) và ô thông tầng cảnh quan trung tâm nhà ga (từ lầu 3 xuống lầu 1) - nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái, như hòa vào thiên nhiên tại khu vực này.

Sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. 

Gói thầu số 4.6 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay sân bay Long Thành giai đoạn 1 - có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đây là gói thầu lớn thứ hai thuộc dự án thành phần 3.

Được biết, gói thầu 4.6 gồm các hạng mục như sân đường khu bay với đường cất hạ cánh với chiều dài 4.000m, rộng 45m; Hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối với diện tích khoảng 69,3 ha; Sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.

Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giao thông đi kèm như hệ thống đường công vụ khu bay có tổng chiều dài 29,67 km; hệ thống thoát nước mưa khu bay…

Ảnh: trên công trường, nhiều xe tải, máy móc… được tập kết để phục vụ cho lễ khởi công.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, đây là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam.

Giai đoạn 1 dự án đầu tư với quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD. Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040).

Chính phủ đặt mục tiêu chuyến bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Long Thành vào ngày 2/9/2025.

Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga, với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.

Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 là hạng mục quan trọng nhất, có tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng (600 ngày) và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thử vào đầu quý II/2025.

Ảnh: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo bộ, ban, ngành nhấn nút khởi công Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi hoàn thành, nhà ga hành khách T3 là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tầu bay (Code C và Code E).

Tin mới lên