Tiêu điểm

Thủ tướng phát lệnh khởi công 3 dự án vốn trên trăm nghìn tỷ

(VNF) - Ngày 18/6, tại 3 địa điểm là TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng bấm nút khởi công dự án đường Vành đai 3 TP. HCM và 2 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột.

Thủ tướng phát lệnh khởi công 3 dự án vốn trên trăm nghìn tỷ

Thủ tướng và các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương phát lệnh khởi công 3 dự án vốn trên trăm nghìn tỷ là Vành đai 3 TP. HCM và 2 cao tốc.

Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP. HCM (khởi công vành đai 3) kết nối với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) và Đắk Lắk (khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).

Dự án vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua 4 địa phương là TP. HCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), tỉnh Bình Dương (10,76km) và tỉnh Long An (6,81km).

Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương.

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe).

Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển vùng trọng điểm phía Nam.

Đối với dự án thành phần đoạn qua địa bàn TP. HCM, hiện đã có mặt bằng 356ha/410ha (đạt khoảng 87%). Trong đó, tỷ lệ bàn giao mặt bằng tại TP. Thủ Đức đã đạt khoảng 73%, huyện Củ Chi đã đạt khoảng 83%, huyện Hóc Môn đã đạt khoảng 95%, huyện Bình Chánh đạt khoảng 92%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại đầu cầu TP. HCM đã cho biết, ngày 25/6 tới đây sẽ khởi công Dự án đường vành đai 4 ở Hà Nội có chiều dài 112 km tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Ngay chiều nay sẽ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.

Thủ tướng nhấn mạnh nước ta luôn xác định đột phá hạ tầng là mục tiêu chiến lược. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, đến 2025, cả nước chắc chắn sẽ có 3.000km đường cao tốc.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số km cao tốc cả nước lên 1.729 km đến thời điểm này. Đường cao tốc xuyên Việt, bắt đầu từ Cao Bằng qua Lạng Sơn, đến Cà Mau sẽ giải quyết được bài toán hạ tầng của cả đất nước, phân bổ vùng miền khá đồng đều, đặc biệt là phát triển các cao tốc trục ngang Đông Tây, đi qua các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng cũng nêu rõ: 3 dự án khởi công hôm nay được đẩy mạnh phân cấp phân quyền (cơ chế đặc thù giao cho các địa phương), được Quốc hội ủng hộ.

Trong vai trò điều phối dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương phát biểu tại Lễ khởi công dự án. Ông đánh giá đây là dự án có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng.

Vành đai 3 TP. HCM cũng là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn một năm so với cách triển khai thông thường. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư linh hoạt, tiệm cận giá thị trường, tặng bản vẽ thiết kế cho người trong vùng dự án…

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lễ khởi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7km, chia làm 3 dự án thành phần. Bà Rịa - Vũng Tàu được giao chủ quản thực hiện dự án thành phần 3 có chiều dài khoảng 19,5km thuộc địa bàn tỉnh.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng từ vốn ngân sách, dài khoảng 53,7km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Việc đầu tư hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ giúp khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Tại Đắk Lắk, hôm nay cũng tổ chức lễ khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tuyến đường chiến lược kết nối rừng với biển. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh, nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư chung của cả dự án là gần 22.000 tỷ đồng. Cao tốc có tổng chiều dài khoảng 117,5km.

Công trình được xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển... góp phần thúc đẩy phát triển vùng.

Tin mới lên