Tài chính

Thuế thu nhập cá nhân vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách

(VNF) - Theo báo cáo của VEPR, thuế thu nhập cá nhân vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. Trong hơn một thập kỷ qua, số thu của thuế thu nhập cá nhân đã tăng trưởng từ mức 5.000 tỷ đồng (2006) lên mức 65.000 tỷ đồng (2016).

Thuế thu nhập cá nhân vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách

Thuế thu nhập cá nhân vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo Công bằng thuế Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguồn thu ngân sách từ thuế chiếm từ 70% đến 80%. Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng thu thuế trên GDP giảm dần từ mức 24% (2006-2008) xuống 18% (2014-2016).

Tỷ trọng thuế gián thu đang tăng mạnh, và ngược lại, tỷ trọng thuế trực thu đang giảm nhanh. Năm 2006, tỷ trọng thuế trực thu là gần 50% và tỷ trọng thuế gián thu là hơn 40%. Nhưng đến năm 2016, thuế trực thu chỉ chiếm tỷ trọng 35%, còn thuế gián thu đã tăng lên trên 60%. Ngay cả khi loại bỏ đi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế xuất-nhập khẩu, thuế gián thu cũng đã vượt thuế trực thu trong năm 2016. Điều này chưa phù hợp với yêu cầu chủ trương cải cách thu thuế.

Cũng theo VEPR, tỷ trọng thuế trực thu của Việt Nam thấp hơn các nước OECD, Philippines, Indonesia, Malaysia; bằng với Thái Lan và cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, tỷ trọng thuế gián thu của Việt Nam chỉ thấp hơn Thái Lan và mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp, còn cao hơn các nước còn lại (2016).

Đối với việc thu ngân sách không phải thuế, VEPR cho biết số thu ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, tỷ trọng nguồn thu này đã tăng từ mức 18% (2006) lên mức 26,7% (2016). Nguồn thu này chiếm từ 3.6% GDP đến 6.5% GDP. Trong khi đó, thuế/GDP đã giảm từ mức khoảng 24%GDP (2006) xuống mức 18%GDP (2016).

"Phí, lệ phí và các nguồn thu thường xuyên khác không phải thuế đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn thu không phải thuế. Khoản thu khác ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong thu thường xuyên không phải thuế. Thu từ phí và lệ phí đang giảm dần theo thời gian", báo cáo của VEPR nêu.

Cũng theo báo cáo của VEPR, thuế thu nhập cá nhân vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách. Trong hơn một thập kỷ qua, số thu của thuế thu nhập cá nhân đã tăng trưởng từ mức 5.000 tỷ đồng (2006) lên mức 65.000 tỷ đồng (2016).

Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu thuế từ mức 2% (2006) lên mức 8% (2016). Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước cũng tăng từ gần 2% (2006) lên mức 6% (2016).

Đến năm 2012, Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2007, mức giảm trừ gia cảnh này đã được tăng lên mức 9 triệu đồng/người/tháng (cho bản thân cá nhân nộp thuế) và 3,6 triệu đồng/người/tháng (cho người phụ thuộc).

VEPR phân tích thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được chia thành hai nhóm. Cụ thể, ngay từ những năm 1990, thu nhập chịu thuế thu nhập đã chia thành hai nhóm là thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên. Thu nhập thường xuyên sẽ được tính thuế theo biểu thuế lũy tiến và thu nhập không thường xuyên được tính thuế theo biểu thuế toàn phần.

Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam không phân biệt giới tính nhưng có tính đến nhóm đối tượng. Bất kể là thu nhập của nam hay nữ đều chịu chung các mức thuế suất theo quy định của Luật. Ngoài phần tiền miễn trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế, còn người phụ thuộc của người nộp thuế như phần trên đã đề cập. Do đó, cá nhân nào có nhiều người phụ thuộc sẽ được giảm trừ gia cảnh nhiều hơn.

Ngoài ra, Luật thuế cũng quy định những thu nhập không chịu thuế và những thu nhập được miễn thuế. Những thu nhập không chịu thuế là một số khoản phụ cấp trợ cấp và một số khoản tiền thưởng. Có 16 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân bao gồm các nguồn thu từ hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tiền lương hưu, tiền lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, và thu nhập từ kiều hối và viện trợ từ nước ngoài, tiền làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm. Những người chịu thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế sẽ được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Theo Tổng cục Thuế, năm 2015, cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trên 17.7 triệu người (cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên). Tuy nhiên chỉ có 9.3 triệu người đã quyết toán thuế với hơn 1.2 triệu người được hoàn thuế (chiếm 13.7%). Do vậy, số người phải nộp thuế thu nhập cá nhân có tính thường xuyên ước khoảng 8.1 triệu người (năm 2015).

Tin mới lên