Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam lo thất thế trong cuộc đua FDI

Hải Nam - 20/04/2023 08:46 (GMT+7)

(VNF) - Thuế tối thiểu toàn cầu đang là chủ đề “nóng” được các doanh nghiệp FDI quan tâm vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh ở Việt Nam. Nếu Việt Nam không có chính sách tạo nên hấp dẫn và ưu đãi khác ngoài thuế cho nhà đầu tư nước ngoài, nguy cơ bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc đua FDI là hiện hữu.

VNF

Giành giật quyền đánh thuế

Tháng 10/2021, 136 quốc gia đã tham gia cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức và đồng ý với giải pháp cải cách thuế hai trụ cột. Trong đó, trụ cột 2 về mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Doanh thu 1 năm của công ty mẹ tối cao phải đạt ngưỡng 750 triệu euro/năm (tương đương gần 20 nghìn tỷ đồng/năm) mới nằm trong diện áp dụng. Để không bỏ lỡ quyền đánh thuế, nhiều quốc gia phát triển đã nhanh chóng có những hành động. Các nước thành viên của OECD và các thành viên của Khuôn khổ toàn diện đang sửa đổi luật pháp để đảm bảo tuân thủ vào năm 2024.

Diễn biến này khiến Việt Nam có lý do lo ngại. Thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3%. Cá biệt, một số tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế TNDN là từ 2,75% đến 5,95% vì nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong cả đời dự án, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Số liệu trên cho thấy mức thuế ở Việt Nam thấp hơn mức thuế tối thiểu khá nhiều. Như vậy, các quốc gia sẽ yêu cầu công ty mẹ tối cao của những doanh nghiệp có dự án đầu tư ở Việt Nam nộp phần thuế còn lại. Nếu không muốn bị các nước khác thu phần thuế chênh lệch này thì Việt Nam chỉ có một cách là nâng thuế suất thuế TNDN lên bằng mức tối thiểu theo trụ cột 2, tức 15%. Đó là cách để Việt Nam không mất quyền thu thuế vào tay các nước khác.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: “Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD; tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam”. Về trung hạn, đại diện Tổng cục Thuế kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI lo lắng

Suốt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã có nhiều gợi ý để Việt Nam thích ứng với chính sách mới này. Bởi nếu Việt Nam không có động thái hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi, họ sẽ phải nộp phần thuế bổ sung cho quốc gia nơi đặt trụ sở chính. Có nghĩa, một công ty A có nhà máy ở Việt Nam nếu chỉ nộp thuế TNDN 5% ở Việt Nam, thì khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, công ty A này sẽ phải nộp thêm 10% thuế TNDN cho “chính quốc”, thay vì được hưởng trọn 10% phần thuế chênh lệch này như lâu nay.

Chính vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) lo lắng: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra nhiều ưu đãi về thuế hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu thực thi thì ưu đãi về thuế này không hấp dẫn nữa. Nói cách khác, chính sách này sẽ vô hiệu hóa hiệu quả của ưu đãi thuế. Kocham khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết. Kocham đề xuất ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. Điểm mạnh của chính sách này là sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung.

Để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp tới, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển. Theo Eurocham, hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế TNDN chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, các hình thức ưu đãi trực tiếp về mặt chi phí chưa phổ biến theo quy định tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp thường chưa có lãi trong các năm đầu hoạt động do chi phí cố định phát sinh lớn đối với các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu phát triển. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ cần các hình thức ưu đãi trực tiếp hơn, như ưu đãi hỗ trợ về mặt chi phí, như hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Một mặt cho rằng Việt Nam cần đảm bảo quyền đánh thuế, song đại diện Samsung Việt Nam cũng lưu ý: Việt Nam cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện cho phần ưu đãi bị sụt giảm của các doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, phương án triển khai các khoản hỗ trợ bằng tiền này sẽ được xây dựng tiêu chuẩn áp dụng tùy theo đặc tính của từng loại hình doanh nghiệp.

Dù thế nào, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới. Những ưu đã về thuế TNDN sẽ không còn tác dụng. Mặt khác, Việt Nam cũng phải ứng xử hài hòa với các nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều ưu đãi thuế, bởi nếu không khéo sẽ làm nảy sinh nhiều khiếu kiện từ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Đây sẽ là phép thử để cho thấy Việt Nam tôn trọng các cam kết đầu tư, làm cơ sở để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác