Tài chính quốc tế

Thương chiến Mỹ - Trung: Đánh giá của các nhà nghiên cứu Trung Quốc

(VNF) - Vừa qua, nhiều nhà phân tích đã nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Trung theo hình thức trực tuyến ngày 16/11/2021 sẽ giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai nước do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng năm 2018. Tôi xin chia sẻ một số ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc về quan điểm và biện pháp ứng phó của nước này.

Thương chiến Mỹ - Trung: Đánh giá của các nhà nghiên cứu Trung Quốc

Quan hệ Trung - Mỹ là một quan hệ quốc tế quan trọng nhất, phức tạp nhất, nhạy cảm nhất trên thế giới hiện nay.

Quan hệ Trung - Mỹ là một quan hệ quốc tế quan trọng nhất, phức tạp nhất, nhạy cảm nhất trên thế giới hiện nay. Mỹ là quốc gia có sức mạnh lớn nhất sau thế chiến thứ hai, đứng đầu thế giới phương tây nên chính sách đối ngoại của Mỹ nhất định sẽ gây ra ảnh hưởng quan trọng đối với Trung Quốc.

Sự phát triển đến hôm nay về tương quan giữa hai nước Trung - Mỹ, Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất, Mỹ là nước đã phát triển lớn nhất, 2 nước đều là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), quan hệ hai nước quyết định lộ trình của sự nghiệp hòa bình và phát triển thế giới. Tính phức tạp của quan hệ Trung - Mỹ thể hiện trên các mặt văn hóa truyền thống, quan niệm giá trị, chế độ xã hội, phương thức hành vi của hai nước hoàn toàn khác nhau. Trong lịch sử, hai nước có những ân oán khó bỏ qua.

Nguyên nhân căn bản của cuộc chiến thương mại là: (i) Khoảng cách sức mạnh tổng hợp giữa Trung Quốc và Mỹ thu hẹp nhanh chóng, vượt qua “khoảng cách an toàn” mà Mỹ có thể “chấp nhận”, trong khi đó Trung Quốc đang phấn đấu tiếp tục thu hẹp khoảng cách này. Nhận thức chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc có sự thay đổi lớn. GDP của Trung Quốc vượt qua 2/3 GDP của Mỹ, ngành chế tạo Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành nước công nghiệp lớn nhất, Mỹ đã bị “kích động”, lo ngại khả năng tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc;

(ii) Trong lịch sử cho thấy Mỹ luôn muốn nắm giữ vị trí bá quyền và vốn có truyền thống chiến lược là “đánh” và gây sức ép cho nước lớn thứ hai sau Mỹ (như đối với Nhật bản trước đây). Hiện nay, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc lên được vị trí thứ hai, không tránh khỏi gây ra “lo ngại bá quyền” của Mỹ. Mỹ lo ngại kế hoạch “Chế tạo Trung Quốc 2025” thông qua việc sử dụng lực lượng chính phủ để “cướp đoạt” ưu thế kỹ thuật của Mỹ, để Trung Quốc xưng bá với thế giới.

Báo cáo chính trị Đại hội XIX (giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại) bị Mỹ cho là “Kế hoạch thống trị bá quyền toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai”; (iii) Mỹ cho rằng không thể thông qua “tiếp xúc” để cải tạo và thay đổi sự phát triển của Trung Quốc. Mỹ vốn không ưa mô hình quốc gia có duy nhất một đảng cầm quyền, nhưng ý đồ thông qua phát triển kinh tế, dân chủ hóa sẽ dần dần phát triển và đưa Trung Quốc phát triển theo mô hình của Mỹ đã thất bại mà ngược lại Trung Quốc đang kiên trì con đường của mình và “xuất khẩu” mô hình Trung Quốc ra thế giới.

Tổng thống Trump đã thực hiện điều chỉnh chính sách chiến lược toàn cầu với mục tiêu lấy lợi ích của Mỹ lên vị trí hàng đầu, chấn hưng kinh tế Mỹ; đưa ra Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tăng cường chi phí quân sự nhằm bảo vệ vị thế thống lĩnh của Mỹ; thực hiện chủ nghĩa đơn phương, rút khỏi Hiệp định Paris, Hiệp định hạt nhân Iran, chống toàn cầu hóa, thực hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đẩy mạnh cọ xát thương mại với Trung Quốc, gây sức ép cho đồng NDT. Ngày 22/3/2018, Tổng thống Trump đã ký văn bản quyết định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quôc căn cứ theo báo cáo của Điều tra “Điều khoản 301”.

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm Tập đoàn ZTE mua sản phẩm nhạy cảm từ doanh nghiệp Mỹ; Ngày 15/6/2018, Mỹ áp đặt thuế quan trị giá 50 tỷ USD. Cuộc chiến thương mại chính thức bắt đầu. Ngày 3/8/2018, Trung Quốc buộc phải đáp trả lại Mỹ. Căn cứ theo Luật Thương mại đối ngoại, Điều lệ thuế quan xuất nhập khẩu và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Ủy ban quy tắc thuế quan của Quốc Vụ Viện Trung Quốc quyết tăng thuế quan 25%, 20%, 10%, 5% đối với 5.207 loại hàng hóa sản xuất tại Mỹ (trị giá khoảng 60 tỷ USD). Nếu Mỹ thực hiện các quyết định này thì Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp đáp trả ngay lập tức.

Phương pháp ứng phó của Trung Quốc theo nguyên tắc “lễ trước binh sau”. Trung Quốc không có ý định gây chiến, nhưng quyết không sợ và sẵn sàng “dùng cuộc chiến để ngừng cuộc chiến”. Trung Quốc sẽ luôn chủ động kiểm soát “biên giới tranh chấp thương mại”, tránh tình trạng lan truyền sang các lĩnh vực khác như tài chính tiền tệ, đầu tư, ngành dịch vụ… tránh dẫn đến đối đầu toàn diện giữa các bên.

Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn xác và tập trung vào những lĩnh vực ảnh hưởng đến phiếu bầu của Trump, ảnh hưởng nền tảng dân ý như đậu nành, dầu mỏ, khí thiên nhiên, ô tô, công ty Boeing…

Áp dụng biện pháp kết hợp số lượng và chất lượng, vừa đáp trả vừa đàm phán, kiên trì nguyên tắc nhưng đồng thời để lại chỗ trống để có thể tranh thủ thương lượng khi có điều kiện (tương tự như Tổng thống Trum vẫn tuyên bố ông Tập là bạn trong khi thực hiện áp đặt mức thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc).

Đồng thời tiếp tục duy trì thể chế thương mại đa phương WTO, kiên trì đạo đức và chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế (là điều Trung Quốc thì luôn cố gắng bảo vệ trong khi Mỹ lại muốn phá vỡ). Đi sâu vào cải cách mở cửa, tạo ra một môi trường thị trường mà cạnh tranh công bằng, xây dựng kinh tế mô hình mở cửa, tạo ra môi trường quốc tế có lợi.

Nguyên tắc ứng phó của Trung Quốc là có thể mở rộng nhập khẩu, làm dịu đi mức nhập siêu của Mỹ, nhưng không thể hạn chế Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa. Bảo vệ lợi ích công ty ZTE vì liên quan đến an ninh kinh tế của doanh nghiệp và quốc gia. Có thể giảm thuế quan, nới lỏng quy định cho phép mở rộng thị trường, nhưng tạo sức ép đối với kế hoạch Chế tạo Trung Quốc 2025. Luôn ghi nhớ những bài học của Nhật Bản, không thể hy sinh lợi ích hạt nhân để mà tự mình chịu nhận tổn thương.

Theo đánh giá của Trung Quốc, cho dù tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp đặt thuế quan, kể cả về những ảnh hưởng gián tiếp thì mức độ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế hai nước là dưới 1%. Kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào trạng thái bình thường mới và nhất định sẽ không xuất hiện trường hợp sụt giảm kinh tế.

Trung Quốc nhận định quan hệ kinh tế Trung - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển vì Mỹ không dễ bỏ qua thị trường mới nổi lớn nhất với dân số 1,4 tỷ, sản phẩm Trung Quốc giá rẻ chất lượng tốt, đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống người Mỹ và rất khó bị thay thế.

Từ cuộc chiến tranh thương mại này Trung Quốc rút ra bài học nhất định phải nắm giữ kỹ thuật then chốt và hạt nhân, không dựa vào người khác, đặc biệt không dựa vào Mỹ và phương Tây. Kinh tế thương mại phải phát triển theo hướng đa phương, tìm những lĩnh vực tăng trưởng mới, “không cho trứng vào một rổ” và luôn phải tuân thủ quy tắc, pháp luật, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập ra môi trường kinh doanh tốt nhất. Luôn tăng cường lực lượng chiến lược của mình, đi theo con đường của mình, làm tốt công việc của mình, là câu trả lời tốt nhất cho cuộc chiến.

Đánh giá về Triển vọng chiến lược của quan hệ Trung - Mỹ, các nhà nghiên cứu cho rằng chiến lược mới của Mỹ đang trong giai đoạn điều chỉnh, chưa định hình cụ thể, cạnh tranh sẽ xem xét lại sức mạnh, ý chí, lực lượng của hai bên và cuối cùng sẽ quyết định hai bên chung sống như thế nào. Đồng thời, động lực nội sinh giữa hai bên vẫn tồn tại. Hai bên vẫn có không gian hợp tác trong các lĩnh vực như là chống lan truyền vũ khí hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, ứng phó với các vấn đề toàn cầu, vì vậy cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

Mặt khác, tranh chấp cũng sẽ xảy ra liên quan đến vấn đề thương mại, vấn đề Đài Loan, vấn đề trên biển, “vừa cọ xát vừa tiến bước” sẽ trở thành trạng thái bình thường trong quan hệ Trung - Mỹ. Mỹ vẫn còn phải quan tâm đến khu vực Trung Đông và cuộc khủng hoảng Ukraina, quan hệ Trung - Mỹ sẽ còn có không gian xoay xở, nhưng cạnh tranh chiến lược dài hạn sẽ thử thách quan hệ hai bên.

Mâu thuẫn chiều sâu sẽ không có sự thay đổi căn bản (đó là mâu thuẫn giữa hai chế độ), nhưng hai bên có thể tránh khỏi những đối đầu chiến lược, đặc biệt là đối đầu mang tính toàn cục. Mỹ vẫn phải hợp tác với Trung Quốc, nhưng liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn Quốc sẽ tiếp tục đe dọa an ninh Trung Quốc.Trên tổng thể, xu thế đấu tranh tăng lên mà hợp tác giảm xuống, Trung Quốc sẽ kiên trì nguyên tắc đấu tranh nhưng không phá vỡ quan hệ, tránh các yếu tố tiêu cực lan rộng, dẫn đến đối đầu toàn diện như là quan hệ Mỹ - Nga.

Tin mới lên