Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Nhiều hoạt động giao thương, dịch vụ, thương mại tại TP. HCM, thành phố năng động nhất cả nước đang gần như ngưng trệ, vì những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Sau tết là khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp, công ty, cơ quan tưng bừng tổ chức tiệc gặp mặt đầu năm, khai xuân mừng đón năm mới. Đây cũng là dịp “hốt bạc” của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP. HCM. Thế nhưng, khác với mọi năm, dịch viêm phổi cấp nCoV bùng phát từ những ngày trong tết, kéo dài khiến mọi hoạt động tiệc tùng, gặp mặt của nhiều công ty bị hoãn, hủy, hàng loạt quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP gần như bất động.
Chủ một hệ thống nhà hàng lớn tại TP. HCM chia sẻ: Cuối năm 2019, khi quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn (Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trật tự an toàn giao thông) chính thức ban hành, lượng khách giảm nhẹ, khoảng 10% trong giai đoạn đầu. Mặc dù vậy, do hoạt động nhiều năm, có nhiều mối khách quen nên doanh thu của hệ thống nhà hàng này vẫn khá ổn định. Sau gần 1 tháng ban hành nghị định, khách hàng dần quen với việc đi nhậu về bắt taxi, Grab… nên tác động chưa quá nhiều. Thế nhưng, sau tết, dịch nCoV thực sự như “đòn chí mạng” giáng thẳng vào các nhà hàng.
“Lượng khách giảm tới 50%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi đang phải liên hệ, hợp tác với nhiều nhà hàng, quán ăn khác để tìm cách khắc phục. Thậm chí còn phải nhắn tin tới từng khách quen để mời tới ăn nhậu, tặng món, giảm giá… Khách hàng trước đây thích ngồi máy lạnh, phòng riêng nhưng bây giờ ai cũng sợ. Có đi nhậu chắc họ cũng thích chọn mấy quán ngoài trời, không gian thoáng đãng chứ nhà hàng, phòng VIP, phòng máy lạnh ế chỏng chơ. Tình hình này mà kéo dài chắc loạt nhà hàng nắm tay nhau phá sản mất”, vị này thở dài.
Nói vậy, nhưng theo khảo sát thực tế, các quán bia, quán nhậu vỉa hè tình hình cũng không khả quan hơn. Một loạt quán bia, quán nhậu dọc bờ kè sông Sài Gòn, trên tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa những ngày qua vắng khách. Nhiều quán lớn nhìn vào chỉ thấy nhân viên phục vụ, khách ngồi lác đác, rải rác 1 - 2 bàn.
Tương tự, tuyến phố ẩm thực Vĩnh Khánh (Q.4) thường ngày đông đúc, khách lấp đầy hàng chục quán ốc, xe hát kẹo kéo, loa đài mở nhạc xập xình suốt tối... nay cũng vắng lặng. Quán Ốc Bé nổi tiếng “đi muộn hết chỗ đẹp” nay khách thưa thớt, toàn bộ mặt bằng tầng trên gần như không có ai. Chủ một quán nhậu gần đó cho hay đã phải cắt giảm gần 10% nhân viên phục vụ do tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn từ khi nhà nước ban hành Nghị định 100, cộng thêm ảnh hưởng từ dịch nCoV.
Không chỉ nhà hàng, quán nhậu “ế” khách, các trung tâm thương mại, khu mua sắm thường ngày tấp nập, nay cũng vắng tanh. Cuối tuần tại Trung tâm thương mại Vincom Center (Q.1), hàng loạt cửa hàng thời trang, mỹ phẩm lác đác vài bóng khách. Không còn cảnh nhân viên hớt hải phục vụ, khách hàng lao xao chọn đồ, xếp hàng dài trước phòng thử và quầy tính tiền, các thương hiệu thời trang hút khách như Zara, H&M, Mango… yên ắng lạ thường.
Nhân viên bịt khẩu trang kín mít, số ít “tín đồ shopping” cũng không để hở mặt. Mọi người bước ra khỏi mỗi quầy là 1 lần lấy nước rửa tay diệt khuẩn ra sử dụng. Phía dưới các tầng B1, B2… tụ điểm của vài chục thương hiệu nhà hàng, quán ăn, cà phê… nay không còn lo hết bàn, tìm chỗ nữa vì cả quán chỉ có vài người khách.
Ghé Trung tâm thương mại Saigon Center (Q.1) vào một buổi trưa trong tuần, tình hình cũng không khá hơn. Nước rửa tay sát khuẩn được đặt khắp các lối vào và tại từng gian hàng, quầy tính tiền. Ghé vào đâu nhân viên cửa hàng cũng dặn “chị dùng nước rửa tay ở đây nhé” khiến ai nấy đều cảm thấy nặng nề, cảm tưởng nguy cơ nhiễm bệnh đang bủa vây tứ bề.
Dù buổi trưa, giờ nghỉ ngơi của dân văn phòng, nhưng khu ăn uống, cà phê vắng hoe. Một số nhà hàng phải cử vài nhân viên ra ngoài chào mời, đón khách thay vì hớt hải chạy bàn như trước đây. Hệ thống trà sữa “ăn khách” nhất là Gongcha, cả 6 bàn trống trơn, không một bóng người. Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi quan sát, lượng khách tới mua chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết mua mang về.
Ở khu vực thời trang, nhân viên các cửa tiệm “ai ngồi nhà nấy”, quanh đi quẩn lại cả ngày chỉ lo xếp đồ, lau đồ, không có khách. Tại quầy thời trang nhãn hiệu Super Dry, lượng hàng ít, đơn điệu, đặc biệt là mặt hàng balo. Khi được hỏi sao ít mẫu mã, cậu nhân viên bán hàng thở dài: “Hàng trước tết bọn em bán hết rồi, qua tết dịch bệnh, ít khách nên chưa nhiều hàng mới về”. Gần đó, cô nhân viên bán giày cho Hãng New Balance cũng thông tin kể từ khi có dịch, lượng khách giảm rất nhiều, công ty vẫn nhập hàng mới về mỗi tuần nhưng bán rất chậm, có khi cả ngày không bán được đôi nào.
Chị Mai Phương (ngụ Q.7) kể cuối tuần vừa rồi chị đưa con gái qua Trung tâm thương mại Cresent Mall chơi thì tình hình ở đây cũng rất vắng. Khu vui chơi của trẻ em gần như không hoạt động. Khu ăn uống, mua sắm trong tình trạng tương tự.
“Mùa dịch bệnh này, không bố mẹ nào dám đưa con cái tới những nơi công cộng. Do các cháu nghỉ ở nhà nhiều ngày, sợ chán, buồn nên dẫn đi loanh quanh một chút thôi chứ cũng không dám cho chơi ở những khu đó. Trung tâm thương mại còn đỡ, siêu thị là tuyệt nhiên không. Ngay cả người lớn cũng hạn chế đi mua sắm vì sợ lây bệnh. Chắc bây giờ nhà ai cũng vậy”, chị Phương nói.
Tết đã qua nhiều ngày, nhưng không khí tại TP. HCM vẫn chưa thể trở lại nhộn nhịp, sôi động vì ảnh hưởng của dịch. Đường phố vẫn vắng vẻ, các phương tiện gọi xe, dịch vụ công cộng chung tình trạng “ế” khách. Không ít người dân TP thốt lên: “Chưa bao giờ thấy TP. HCM buồn như thế này. Cùng là vắng xe nhưng không khí đường phố ngày tết khác hẳn không khí đường thoáng vì dịch. Trời nắng chói chang nhưng vẫn thấy màu ảm đạm”.
Dịch vụ, thương mại TP “đứng hình”, một phần cũng do lượng khách du lịch giảm đáng kể mùa dịch bệnh. Theo thống kê trong 9 ngày lễ Tết Nguyên đán, từ khi phát dịch, lượng khách tới TP. HCM giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2019. Rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường Trung Quốc.
Nhận định rõ ngành du lịch TP đang vô cùng khó khăn, song, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, khẳng định tại thời điểm này chống dịch là nhiệm vụ quan trọng nhất, phải làm sao không để TP. HCM không trở thành điểm nóng của vùng dịch.
“Tuy nhiên trong quá trình này, Sở vẫn tổ chức một số hoạt động, công tác quảng bá, truyền thông, xúc tiến theo hình thức online và đẩy những thông tin tốt liên quan đến ngành y tế để truyền thông, du khách quốc tế thấy được TP. HCM cũng như Việt Nam là nơi chống dịch rất tốt. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thời gian làm mới, đánh giá lại quy trình sản phẩm, cùng phối hợp toàn ngành để có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trở lại, sau khi đẩy lùi được dịch bệnh”, bà Thúy nói.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, không được chủ quan với dịch bệnh, nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, TP đã vận động nhiều doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh trở lại, trong tâm thế vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo ông Tuyến, do tâm lý người dân cũng như các biện pháp kiểm soát khách đến từ vùng dịch nên hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch giảm sút là điều không thể tránh khỏi. TP sẽ triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh đầu tư công - kích cầu tiêu dùng, chống đầu cơ nâng giá... TP đang chuẩn bị cho các hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ trong tháng 3 và xúc tiến cho các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
TP. HCM đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt nên hy vọng người dân tin tưởng , an tâm mua bán, sinh hoạt bình thường, không nên quá lo lắng và đặc biệt không che giấu thông tin về dịch bệnh. Ông Trần Vĩnh Tuyến |
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.