Công nghệ

Thương mại điện tử trên mạng xã hội: Vẫn lo mạo danh, trốn thuế, cạnh tranh không công bằng...

(VNF) - Dù được nhận định có tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên mạng xã hội tại Việt Nam trước hết cần giải quyết các bài toán như lừa đảo, mạo danh để bán hàng; quản lý thuế của người bán hàng và tạo ra sự cạnh tranh công bằng.

Thương mại điện tử trên mạng xã hội: Vẫn lo mạo danh, trốn thuế, cạnh tranh không công bằng...

Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng nổ.

Pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của TMĐT

Báo cáo tại toạ đàm “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý”, tổ chức ngày 23/3, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong giai đoạn 2013 – 2019 luôn ở mức cao, trên 20% mỗi năm.

Nhờ vậy, từ xuất phát điểm thấp 2,2 tỷ USD vào năm 2013, quy mô thị trường TMĐT lên đến khoảng 10,08 tỷ USD vào năm 2019. Dự kiến đến 2025 sẽ đạt 23 tỷ USD thông qua 3 kênh thương mại điện tử chính gồm: diễn đàn, mạng xã hội; sàn thương mại điện tử; website bán hàng.

Thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian tới. Theo báo cáo của một số tổ chức, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 49% và quy mô thị trường dự đoán đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành nước có quy mô TMĐT lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (82 tỷ USD).

Đại diện VCCI nhận định TMĐT tại Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Ngoài các website và sàn giao dịch TMĐT thì hoạt động giao dịch, mua bán hàng hoá, dịch vụ thông qua phương tiện là mạng xã hội hiện cũng đang thu hút số lượng rất lớn các cá nhân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian trở lại đây.

Tuy vậy, theo đại diện VCCI, về mặt pháp lý, các khuôn khổ cho hoạt động TMĐT, hoạt động của mạng xã hội được xây dựng chủ yếu từ năm 2013. Các quy định này được xây dựng trong giai đoạn đầu của TMĐT, rất nhiều vấn đề chưa được đề cập hoặc được quy định rất chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Hơn nữa, do thực tiễn hoạt động TMĐT trên internet phát triển quá nhanh nên nhiều quy định đã trở nên lạc hậu. Chính vì vậy, pháp luật về quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử đang được rà soát và dự kiến sửa đổi trong thời gian tới.

Nghiên cứu của VCCI cho thấy hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội khá đặc thù và không hoàn toàn giống với bất kỳ một hình thức TMĐT nào, bao gồm cả sàn thương mại điện tử.

Một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa mạng xã hội và sàn TMĐT là cho đến nay các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch thương mại.

Trong khi đó các sàn TMĐT có thể có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch TMĐT được hoàn tất trên môi trường mạng từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển và giao hàng.

Một số mạng xã hội có bổ sung chức năng hỗ trợ hoạt động có yếu tố TMĐT (như Marketplace của Facebook hay Shop của Zalo) nhưng chức năng này mới chỉ dừng lại ở khâu giới thiệu sản phẩm và cung cấp thông tin, chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến.

"Thực tiễn này đòi hỏi pháp luật về TMĐT cũng cần có những quy định phù hợp để quản lý hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động TMĐT phát triển. Việc quản lý hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình TMĐT khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi", đại diện VCCI nói.

Những bài toán đối với TMĐT trên mạng xã hội tại Việt Nam

Phát biểu tại toạ đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng với tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế số và Internet, dường như nhiều vấn đề về pháp lý đang bị chồng lấn.

"Một số nghiên cứu gần đây của VICC cho thấy hiện nhiều quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh cấp giấy phép hoạt động trên môi trường mạng còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả; các mô hình kinh doanh, dịch vụ trên nền tảng kinh tế số phát triển khá nhanh, nhưng lại chưa có nhiều biện pháp quản lý…", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, lợi ích của TMĐT mang lại là không phủ nhận, nhưng cũng có nhiều rủi ro trục trặc xảy ra. Do đó, phải ứng xử chính sách, liều lượng như thế nào cho phù hợp, nội dung cần được lưu tâm.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp, thì cho rằng cần nhìn nhận TMĐT là xu hướng phát triển với tốc độ rất nhanh, đó là xu hướng tất yếu nên không thể kìm hãm mà phải đưa ra cơ chế minh bạch rõ ràng.

Theo ông Tuấn, tại các quốc gia phát triển, việc lên mạng xã hội để mua sắm là giải trí. Vì thế chúng ta phải chấp nhận đây là xu thế và Việt Nam cũng vậy. Bởi rất khó để phân loại các nền tảng trên mạng xã hội, hiện nay đã có những mạng xã hội siêu ứng dụng, điểm khác giữa các nền tảng này chỉ là điểm xuất phát và trong tương lai cơ chế hoạt động cũng tương tự nhau.

Để phát triển TMĐT ở Việt Nam, lãnh đạo VCCorp cho rằng cần làm rõ được một số vấn đề. Đầu tiên là phải quản lý hàng hoá đăng tải để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Tránh bán hàng giả hàng nhái đối với các sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tiếp theo đó là cần quản lý được lừa đảo, mạo danh để bán hàng. Vấn đề nữa là quản lý thuế của người bán bởi nếu không quản được thì sẽ nảy sinh vấn đề khó cạnh tranh giá cả.

Việc làm thế nào để xử lý và gỡ được tin xấu, thậm chí khi cần có thể trích xuất được lý lịch người bán và người mua (quản lý data) cũng là vấn đề cần được giải quyết...

Cũng tại toạ đàm, nhiều ý kiến nhận định một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa mạng xã hội và sàn TMĐT là các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch thương mại.

Trong khi đó các sàn thương mại điện tử có thể có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch được hoàn tất trên môi trường mạng từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển và giao hàng.

Do đó, các ý kiến cho rằng công tác quản lý hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình thương mại điện tử khác để phù hợp với bản chất của hoạt động này và có tính khả thi trong thực tế.

Tin mới lên