Tiền đồng vẫn ổn định, cần hạ nhiệt lãi suất

Phương Minh - 28/02/2023 08:24 (GMT+7)

Sau thời gian dài khá bình lặng, tỷ giá USD/VND có dấu hiệu biến động trở lại nhưng không đột biến.

VNF
Dự báo khả năng USD tăng đột biến trong năm nay là không lớn (Ảnh: PM).

Áp lực từ thị trường quốc tế khiến tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại lẫn thị trường tự do bật tăng. Tính đến cuối tuần trước, tỷ giá niêm yết tại một số ngân hàng đã tăng 200-240 VND/USD so với trước đó.

Tuy nhiên, nhìn chung tiền đồng (VND) vẫn tương đối ổn định, nghĩa là không mất giá nhiều so với đồng USD.

Khó có cú sốc về tỷ giá

Ngày 23/2, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp về chính sách tiền tệ, tỷ giá USD/VND biến động theo hướng tăng. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD có thời điểm bật mạnh lên ngưỡng trên 24.000 VND/USD, sau đó hạ nhiệt. Tương tự, trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh cũng nổi sóng.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, thông điệp của Fed là cần tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa cho đến khi đạt mục tiêu về chống lạm phát. Cơ quan này còn gửi thông điệp sẵn sàng cho nền kinh tế giảm tăng trưởng nhằm ổn định giá cả thông qua việc tăng lãi suất một cách dài hạn.

Điều này có nghĩa Fed sẽ giữ mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn và sẽ đẩy lãi suất lên mức 5% so với mức hiện nay 4,5%-4,75%. Chính vì vậy giá trị đồng USD tăng mạnh, qua đó gây sức ép lên tỷ giá USD/VND, tức hạ giá đồng tiền Việt.

Nhưng cần chú ý rằng sau công bố của Fed, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD chỉ dao động quanh mức 104 điểm, thấp hơn mức đỉnh 114 điểm vào cuối năm ngoái. Điều này cho thấy đồng USD tăng mạnh có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

“Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD có giá trị mạnh lên và gây sức ép lên nhiều đồng tiền khác, bao gồm cả VND. Tuy nhiên, không quá lo ngại tỷ giá sẽ có những cú sốc vì các cơ quan điều hành có nhiều giải pháp trong tay từ tăng biên độ giao dịch của tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp cho đến điều chỉnh các mức lãi suất điều hành. Chính nhờ các giải pháp này đã giúp tiền đồng chỉ mất giá khoảng 3,5% trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực” - ông Hải dẫn chứng.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cũng nhìn nhận năm ngoái tiền đồng đã mất giá hơn 3% so với mức mất giá trung bình 7% đối với đồng tiền ở các thị trường mới nổi. Vì vậy, ông kỳ vọng tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định giá trị trong năm nay.

“Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động lên sự cải thiện về tâm lý đối với tiền đồng. Ngoài ra, Việt Nam đang có thặng dư thương mại từ đầu năm đến nay lên con số 1,35 tỷ USD, cộng với kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều cũng đã giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng dự trữ ngoại hối giúp hỗ trợ tiền đồng” - ông Michael Kokalari nhận định.

Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán KBSV cũng đưa ra kịch bản rằng nếu Fed tăng lãi suất lên mức 5%, có khả năng tỷ giá USD/VND chạm mốc 25.000 đồng. Song tiền đồng vẫn sẽ ổn định trong năm nay nhờ vào kiều hối, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài… vẫn sẽ tăng trưởng tương đương năm ngoái.

Lãi suất cần hạ nhiệt

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP. HCM, tỷ giá trong năm 2023 dự báo sẽ không quá căng thẳng như năm 2022 khi các yếu tố bất ngờ không còn nhiều nữa. Tỷ giá có thể sẽ tăng nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 3%-4%, nghĩa là VND mất giá khoảng 3%-4% so với USD. Điều đáng lo ngại nhất chính là nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất thì lãi suất Việt Nam sẽ khó hạ nhiệt.

Vì nếu hạ lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá và dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại có thể rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Ngược lại, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến người dân vay tiền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế vì chi phí giá vốn cao khiến giá hàng hóa khó cạnh tranh. Tuy vậy, lãi suất có thể chỉ cao trong nửa đầu năm 2023, sau đó khi Fed dừng tăng lãi suất thì lãi suất tại Việt Nam sẽ hạ nhiệt theo.

Cùng góc nhìn, TS Nguyễn Xuân Thành, ĐH Fulbright Việt Nam, nhận định trong quý I và quý II/2023, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải chấp nhận giữ lãi suất để duy trì ổn định tỷ giá. Trong giai đoạn này, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng là sự ưu tiên hàng đầu. Đến giữa năm 2023, khi Fed dừng tăng lãi suất, áp lực lạm phát giảm thì Việt Nam cũng phải nhanh chóng nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất để chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Còn trong thời điểm hiện tại, khi lãi suất cao, tỷ giá biến động thì các doanh nghiệp cần theo sát diễn biến tình hình để có phương án kinh doanh chủ động. Cụ thể là nên hạn chế vay USD nếu như không có nguồn thu USD. Đồng thời, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá, trích lập đầy đủ quỹ dự phòng biến động tỷ giá; tìm nguồn cung ứng nguyên liệu ở những thị trường có giá rẻ hơn cũng như mở rộng thêm các thị trường xuất nhập khẩu có biến động tỷ giá tương đối ổn định so với tiền đồng.

Sức ép lên tỷ giá giảm đáng kể

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam gần đây có dấu hiệu hồi phục trở lại. Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023 cho đến gần giữa tháng 2. Dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể sẽ đạt 102 tỷ USD vào cuối năm nay.

Như vậy, sức ép lên tỷ giá đã giảm đáng kể, tạo điều kiện cho cơ quan điều hành tăng cường dự trữ ngoại hối trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo trong thời gian tới, nếu NHNN thành công trong việc mua ngoại tệ tương đối nhiều, chính sách tiền tệ sẽ dễ chịu hơn. Từ đó cơ quan điều hành sẽ cung ứng tiền đồng nhiều hơn, giữ nguyên lãi suất điều hành, thậm chí hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng.

NHNN cũng khẳng định thời gian vừa qua thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ; không còn tình trạng người dân xếp hàng đi mua ngoại tệ tại ngân hàng. Đặc biệt, với nguồn cung ngoại tệ gia tăng, cơ quan này đã mua ròng ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.

 

Theo PLO
Cùng chuyên mục
Tin khác