Tiêu điểm

Tiền Giang nói gì về việc 19 doanh nghiệp FDI 'kêu cứu'?

(VNF) - Ngày 21/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Tiền Giang nói gì về việc 19 doanh nghiệp FDI 'kêu cứu'?

Tỉnh Tiền Giang nói gì về việc 19 doanh nghiệp FDI 'kêu cứu'?

Trả lời về vấn đề 19 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong việc mở lại sản xuất, đại diện ban Quản lý khu công nghiệp Tiền Giang cho biết khôi phục kinh tế gắn với phòng chống dịch Covid-19 là rất quan trọng. Việc các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái "bình thường mới" nhằm sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết.

Tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để doanh nghiệp hoạt động tốt nhất theo các mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", kết hợp "3 tại chỗ" với "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm sức khỏe cho công nhân khi trở lại làm việc cũng rất quan trọng. Việc áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang là do thực tế khi độ phủ vaccine còn thấp.

Riêng phản ánh của doanh nghiệp về số lao động rất lớn khó thực hiện và đạt điều kiện “3 tại chỗ”, bà Châu Thị Mỹ Phương – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết Tiền Giang hiện tổ chức 4 mô hình sản xuất: sản xuất “3 tại chỗ”, mô hình sản xuất 1 cung đường 2 điểm đến; kết hợp giữa “3 tại chỗ” và 1 cung đường 2 điểm đến và "mô hình xanh – xanh".

Riêng các doanh nghiệp ở huyện vùng xanh Tân Phước thực hiện "mô hình xanh – xanh", người lao động được tự đi làm việc hàng ngày. Tỉnh Tiền Giang đang ưu tiên và đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động để đủ độ bao phủ, giúp các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động theo điều kiện bình thường mới, ban đầu ở quy mô vừa phải, sau khi ổn định sẽ nâng dần số lượng công nhân lao động.

Trước đó, cộng đồng 19 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tiền Giang (đang sử dụng 69.730 lao động) đã gửi thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Trong thư, các doanh nghiệp cho biết, hiện đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7 đến nay vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp và người lao động nói chung đã và đang phải đối mặt với "những thách thức chưa từng có".

Nội dung bức thư cũng nêu rõ: “Về phía người lao động tại các doanh nghiệp, dù đã được tiêm mũi 1 vaccine đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy".

Theo các doanh nghiệp, vào ngày 1/10, cộng đồng doanh nghiệp lớn có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào.

Trong khi đầu tháng 10/2021, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất 3 tại chỗ làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

"Trong khi Nghị quyết 128/NQ-CP quy định rất rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cung cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine, hơn nữa Tiền Giang cũng đã áp dụng phân vùng 2 trên địa bàn toàn tỉnh, từ đầu tháng 10/2021 rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân đã được đi lại tự do trong tỉnh nhưng không thể đi làm, doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa và thiệt hại kéo dài khiến chúng tôi rất khó hiểu và bức xúc.

Việc Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn… Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng với những gì đang diễn ra”, nội dung thư nhấn mạnh.

Tin mới lên