Tiền gửi ngân hàng của công ty mẹ PVN vượt mốc 110.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản

Thanh Long - 16/05/2019 16:51 (GMT+7)

(VNF) - Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của công ty mẹ PVN đạt 464.342 tỷ đồng, tăng 3,5% sau nửa năm. Đáng chú ý, tổng tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này lên đến 114.667 tỷ đồng, chiếm đến 1/4 tổng tài sản của "siêu doanh nghiệp" này.

VNF
Tiền gửi ngân hàng của công ty mẹ PVN vượt mốc 110.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản

Tiền gửi ngân hàng của công ty mẹ PVN vượt mốc 110.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2018 vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi đến Ủy ban Quản lý Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cách đây không lâu, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 của công ty mẹ PVN đạt 8.977 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của công ty mẹ PVN giảm tới 25% xuống 1.217 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính tiếp tục là nguồn thu lớn nhất của công ty mẹ PVN, là nhân tố chủ yếu đem về cho tập đoàn này tới 20.680 tỷ đồng doanh thu tài chính trong nửa đầu năm 2018, tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước đó.

Đi sâu hơn, cổ tức và lợi nhuận được chia đem về cho công ty mẹ PVN 10.291 tỷ đồng, chiếm một nửa doanh thu tài chính; doanh thu khí, condensate từ các lô dầu khí đem về 4.549 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22%; lãi tiền dầu Vietsovpetro là 2.286 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11%; lãi tiền gửi, lãi phát sinh từ đối tác trả chậm là 1.748 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,5%...

Về chi phí, trong kỳ, công ty mẹ PVN ghi nhận 3.110 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí các lô dầu khí (chiếm tỷ trọng 90%); đồng thời ghi nhận 340 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ PVN đạt 18.646 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của công ty mẹ PVN đạt 464.342 tỷ đồng, tăng 3,5% sau nửa năm. Đáng chú ý, tổng tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này lên đến 114.667 tỷ đồng, trong đó, 4.493 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn, 110.174 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng.

Lượng tiền gửi ngân hàng này chiếm tới gần 1/4 tổng tài sản của công ty mẹ PVN.

Được biết, trong số hơn 114.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng này có 48.000 tỷ đồng là quỹ thu dọn mỏ PVN giữ hộ các nhà thầu dầu khí và theo tìm hiểu, phần lớn quỹ này là tiền USD, đồng nghĩa lãi suất tiền gửi ở mức 0%.

Lượng tiền gửi VND còn lại (ước tính khoảng 66.000 tỷ đồng) có lãi suất từ 5,1%-6,8%/năm.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ PVN đến hết ngày 30/6/2018 ở mức 360.356 tỷ đồng, tương đương hồi đầu năm. Nợ phải trả ở mức 103.985 tỷ đồng, tăng 15%.

Deloitte gặp khó khi kiểm toán PVN

Chịu trách nhiệm kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2018 của PVN, Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến kiểm toán ngoại trừ vì không thu thập đủ các thông tin tài chính liên quan.

Cụ thể, đối với việc tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC, tiền thân là Vinashin), PVN đang tạm ghi nhận 667 tỷ đồng giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án và ghi nhận 0 đồng giá trị khoản đầu tư vào các công ty con được bàn giao từ SBIC, đồng thời ghi nhận phải trả SBIC số tiền tương ứng trên tài khoản phải trả khác.

Đến ngày 30/6/2018, PVN chưa đối trừ hết số tiền đã thanh toán cho SBIC liên quan đến việc bàn giao các dự án/công ty trên là 720 tỷ đồng và phản ánh trên khoản mục phải thu khác trên bảng cân đối kế toán.

Tại ngày lập báo cáo, PVN chưa nhận được quyết định chính thức của các cơ quan có thẩm quyền về giá trị tài sản nhận bàn giao từ SBIC cũng như số tiền PVN phải thanh toán cho SBIC.

"Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ các thông tin tài chính có liên quan đến các vấn đề nêu trên. Do đó, chúng tôi không thể thực hiện được các thủ tục mà chúng tôi cho là cần thiết", phía Deloitte cho biết.

Công ty kiểm toán này cũng cho hay không thể thu thập được đầy đủ các thông tin tài chính thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản đầu tư của PVN vào PVcomBank tại ngày 30/6/2018 do không thể thu thập được đầy đủ các thông tin tài chính thích hợp của PVcomBank.

Liên quan đến Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí - PVEP (công ty con do PVN sở hữu 100% vốn), tại ngày 30/6/2018, một số khoản đầu tư và dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí có vốn điều lệ được đầu tư là 59.700 tỷ đồng tham gia đầu tư, đã tạm dừng và đang được PVN và PVEP đánh giá về khả năng thu hồi trong tương lai.

"Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ các thông tin tài chính thích hợp của PVEP về giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư dài hạn của PVN vào PVEP tại ngày 30/6/2018. Do đó, chúng tôi không thể thực hiện được các thủ tục mà chúng tôi cho là cần thiết", phía Deloitte nêu trong báo cáo soát xét.

Cùng chuyên mục
Tin khác