Ngân hàng

Tiền gửi tiết kiệm xuống đáy, nên chọn kênh đầu tư nào?

(VNF) - Dù lãi suất huy động đã chạm đáy nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng. Song một số ý kiến cho rằng khi lãi suất giảm sâu, nhiều người sẽ không còn mặn mà với gửi tiết kiệm ngân hàng mà sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn.

Tiền gửi tiết kiệm xuống đáy, nên chọn kênh đầu tư nào?

Người dân vẫn khó "quay lưng" với gửi tiết kiệm ngân hàng

Lãi suất huy động gần đây giảm rất nhanh. Hiện lãi suất tiết kiệm của cả 4 ngân hàng quốc doanh (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đều xuống mức đáy. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại 4 ngân hàng này hiện còn 5,3%/năm.

Như vậy, toàn bộ nhóm Big 4 đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 (nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022).

Nhóm Big 4 chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng. Vì vậy, động thái giảm lãi suất huy động của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới.

Có một thực tế là dù lãi suất tiết kiệm chạm đáy nhưng lượng tiền tiết kiệm của người dân vẫn đổ mạnh vào hệ thống ngân hàng.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng kỳ năm trước là 4,04%).

Còn theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6/2023, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng là 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73% (cùng thời điểm này năm trước, tăng trưởng tín dụng đạt 10,54%).

Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn toàn hệ thống tăng nhanh hơn cho vay.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu nhưng tiền tiết kiệm sẽ không ồ ạt chảy sang các kênh đầu tư khác. Bởi hiện nay, các lĩnh vực đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng... vẫn chưa thực sự khởi sắc, còn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, người có tiền nhàn rỗi vẫn có xu hướng gửi tiết kiệm để đảm bảo sự an toàn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết, hiện nay, tất cả kênh đầu tư khác đều có vấn đề: thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản trầm lắng, vàng cũng không phải là kênh đầu tư ổn định, ngoại tệ chỉ dành cho những người được phép kinh doanh.

Do đó, ông Hiếu cho rằng dù lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy nhưng người dân chỉ còn kênh đầu tư duy nhất là tiền gửi ngân hàng. Đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, hơn nữa lãi suất dù chỉ 5-6%/năm cũng là mức đáng kể để đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hiện tại và khoảng vài năm tới, Việt Nam chưa lo có ngân hàng phá sản, nên đây là kênh đầu tư an toàn.

Nên chọn kênh đầu tư nào?

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, từ nay đến cuối năm, sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm sâu, nhiều người sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng mà sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - đánh giá, nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống mức 5%/năm, dòng tiền đầu tư sẽ được rút ra khỏi ngân hàng để quay trở lại làm tăng đầu tư, giao dịch trên thị trường bất động sản.

Còn ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư tư nhân A+ cho rằng, vài tháng qua, thị trường chứng khoán có được nhiều tin tốt, cùng với việc lãi suất giảm đã thu hút dòng tiền gửi chuyển sang đầu tư. Minh chứng rất rõ qua số tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh thời gian gần đây.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng, dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy, nhất là khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm đến 3-4% so với thời điểm đỉnh cao trong quý III và IV/2022.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng trong thời gian vừa qua nên không loại trừ tiền chảy qua chứng khoán. Song với dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán thì rất khó để tăng trưởng bền vững, vì dòng tiền vào chứng khoán là dòng tiền “đầu cơ” trong ngắn hạn, không phải nhà đầu tư nào cũng muốn mua cổ phiếu trong 4-5 năm để hưởng cổ tức mà chỉ đầu cơ trong ngắn hạn.

Không chỉ chứng khoán mà ngay cả thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Nhưng với thị trường bất động sản thì khi nào nhà đầu tư chốt lời từ thị trường chứng khoán mới chuyển vốn qua bất động sản.

Song theo ông Huân, lượng tiền chảy qua cả chứng khoán và bất động sản hiện chưa nhiều mà vẫn nằm trong ngân hàng để đảm bảo an toàn trước bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư chưa hồi phục thực sự. Vì vậy, các ngân hàng vẫn “thừa” tiền.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lãi suất liên tục hạ nhiệt, xuống mức thấp như hiện nay, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nên bỏ "trứng vào nhiều giỏ". Theo đó, tùy vào mục tiêu của mỗi người chia phần tiền vào những giỏ với những tỷ lệ khác nhau.

Theo tính toán của ông Nguyễn Trí Hiếu, nếu có 100 đồng nhàn rỗi, tại thời điểm này, nhà đầu tư nên bỏ 30% vào ngân hàng, 30% vào bất động sản, 40% còn lại vào chứng khoán. Trong trường hợp có kênh đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt thì nên đầu tư trực tiếp ngoài những kênh đầu tư truyền thống nói trên.

Với những nhà đầu tư muốn an toàn hơn nữa, ông Hiếu khuyên nên chia 50% tiền nhàn rỗi vào ngân hàng, 20% vào bất động sản, 20% chứng khoán, 10% vàng. Còn với nhà đầu tư ưa sự mạo hiểm, bất động sản cần chiếm 60% giỏ đầu tư, 20% tiền gửi ngân hàng, 20% chứng khoán.

Tin mới lên