Tiền vào thấp xa tăng tín dụng, ngân hàng chưa dứt nỗi lo thanh khoản

Minh Dũng - 23/11/2022 13:43 (GMT+7)

(VNF) - Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. 9 tháng đầu năm, tiền gửi chỉ tăng 4,33% trong khi tăng trưởng tín dụng lên tới 11,05%.

VNF
Ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất để phòng thủ thanh khoản trước nguy cơ lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, tiền gửi vào hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng trở lại trong tháng 9, thêm hơn 106 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi của dân cư vẫn tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng chậm lại. Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư cuối tháng 9 đạt 5,63 triệu tỷ đồng, chỉ tăng thêm 1.436 tỷ so với cuối tháng 8. Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, tiền gửi dân cư tăng thêm hơn 17.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức kinh tế trong tháng 9 cũng tăng thêm gần 105.000 tỷ đồng, đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ đồng của 2 tháng trước đó. Trong tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tới hơn 87.783 tỷ đồng. Tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng 6.

Như vậy, sau 2 tháng giảm liên tiếp, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại và vượt mốc 1,4 triệu tỷ đồng.

Dù tăng trưởng nhưng lượng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 9 vẫn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 6 (đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng).

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, đạt 13,83 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,33% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 6,38% trong khi tiền gửi của các doanh nghiệp chỉ tăng 2,43%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng.

Thực tế, chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7, gây sức ép lên thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại.

Để thu hút người gửi tiền, ngay sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành từ cuối tháng 9, các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu bước vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động.

Nhiều ngân hàng đã tăng thêm 3-4%/năm lãi suất cho các kỳ hạn dài, trong khi các kỳ hạn ngắn cũng đã tăng thêm khoảng 2%/năm. Hiện mức lãi suất 9%/năm tại các ngân hàng đã không còn hiếm. Mức lãi suất 10%/năm cũng đã quay trở lại thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác