Tìm cơ hội trong nhóm cổ phiếu ngành thủy sản

Văn Kiên - 01/12/2022 12:28 (GMT+7)

(VNF) - Việc thị trường chung hồi phục mạnh đem đến cơ hội cho nhiều nhóm ngành, trong đó thủy sản là một ngành không nên bỏ qua.

VNF
Tìm cơ hội trong nhóm cổ phiếu ngành thủy sản

FMC, IDI, CMX: Biên lợi nhuận gộp ngang nhau nhưng định giá "một trời một vực"

Cổ phiếu được định giá thấp nhất trong nhóm này đó là cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group. Giá cổ phiếu CMX hiện tại là 7.650 đồng/cổ phiếu vào kết phiên ngày 30/11 tương ứng với P/E đạt 4,75 lần.

Lũy kế 4 quý gần nhất, biên lợi nhuận gộp của CMX đang ở mức 13,78%.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp thủy sản này đạt tổng doanh thu 2.200 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ở mức gần 87 tỷ.

Được biết năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ. Như vậy sau 3 quý, CMX mới thực hiện được 56% kế hoạch doanh thu và chỉ 29% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. 

Được định giá cao hơn đó là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), hiện có vốn hóa là 2.242 tỷ đồng.

Xét về tình hình kinh doanh 9 tháng năm nay, doanh thu thuần của FMC đạt 4.491 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 247,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 240,5 tỷ đồng, tăng 36% so với 9 tháng năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán thủy sản đạt 4.327,7 tỷ đồng, chiếm 96% doanh thu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/11, cổ phiếu FMC đạt 34.300 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E tương ứng đạt 7,32 lần, biên lợi nhuận gộp 4 quý gần nhất đạt 14,47%.

Một ông lớn khác trong ngành thủy sản là IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I. Lũy kế 9 tháng, IDI ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.222 tỷ đồng, tăng 44,3% và lợi nhuận sau thuế 534 tỷ đồng, gấp 9,2 lần cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gấp 10 lần cùng kỳ, đạt hơn 521,8 tỷ đồng. Doanh thu từ sản phẩm cá tra và bột cá, mỡ cá vẫn là nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp, lần lượt mang về cho công ty 2.834 tỷ đồng và 2.289 tỷ đồng trong 9 tháng.

Trong 4 quý gần nhất, biên lợi nhuận gộp của IDI ở mức 14,61%. Với mức giá 9.550 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/11 thì mức P/E hiện tại của cổ phiếu IDI đạt 15,55 lần.

Có thể thấy, 3 cổ phiếu CMX, FMC và IDI có biên lợi nhuận gộp ngang nhau nhưng định giá P/E rất khác nhau. Điều này phần nào cho thấy, trong thời điểm hiện tại, ở cùng một mặt bằng lợi thế nhất định, CMX đang "rẻ" hơn so với FMC, trong khi IDI "đắt" hơn cả.

Mặc dù có biên lợi nhuận gộp ngang nhau nhưng IDI được định giá cao hơn hẳn FMC và CMX

ANV, VHC: Biên lợi nhuận song hành với định giá

Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) có màn lội ngược dòng khi ghi nhận giảm sàn 7/8 phiên (4/11 – 15/11) và tăng trần trở lại ở phiên 16/11 với giá kết phiên là 17.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên mức giá này vẫn là mức thấp nhất trong 22 tháng qua kể từ đầu tháng 2 năm 2021, so với đỉnh lịch sử 37.880 đồng/cổ phiếu hồi tháng 9 vừa qua, thị giá của ANV đã mất khoảng 55% giá trị.

Dẫu vậy, định giá của ANV hiện vẫn ở mức cao, lên đến 21,32 lần. Mức định giá này được củng cố bởi lợi thế cạnh tranh khi lũy kế 4 quý gần nhất, biên lợi nhuận gộp của ANV đạt 27,12%, một trong những mức cao nhất trong ngành.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là công ty có vốn hóa lớn nhất ngành thủy sản với giá trị 12.469 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong 4 quý gần nhất ở mức 23,34%.

Với mức biên lợi nhuận cao như vậy, định giá của VHC cũng nhỉnh hơn FMC và CMX với mức P/E chốt phiên cuối tháng 11 là 10,73 lần, nhưng vẫn thấp hơn nhiều IDI và ANV, phần nào cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu này.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.755 tỷ đồng, tăng 69% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần trong quý III của công ty đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ; khấu trừ các chi phí, VHC lãi trước thuế 546 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 460 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục
Tin khác