Tìm 'mỏ neo' khi lãi suất vào đà tăng mạnh

Quỳnh Dung - 30/07/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - CPI tháng 6 tăng 4,3% so với cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp lạm phát trên mức 4%, trong khi mục tiêu lạm phát năm nay là khoảng 4,0% - 4,5%. Cùng với đó, VNĐ đã mất giá gần 5% tính từ đầu năm đến nay. Tất cả đưa đến nhận định lãi suất điều hành sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024.

Phải tăng lãi suất

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, thực tế thị trường cho thấy, áp lực mặt bằng lãi suất VNĐ tăng chiếm ưu thế trong quý II khi chính sách tiền tệ của NHNN dịch chuyển theo hướng thận trọng hơn bởi sức ép tỷ giá có xu hướng gia tăng. NHNN đã có các động thái như bán ngoại tệ can thiệp với quy mô lớn, duy trì hút tín phiếu trên thị trường mở, đồng thời điều chỉnh tăng các loại lãi suất trên thị trường mở như lãi suất OMO tăng thêm tổng cộng 50 điểm lên mức 4,5%/năm, lãi suất tín phiếu thêm 200 điểm lên 4,5%/năm.

“Bên cạnh đó, thanh khoản VNĐ của hệ thống ngân hàng có xu hướng sụt giảm mạnh so với quý I và trở nên phụ thuộc vào dòng tiền từ các kênh thị trường mở và tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng trong quý II đã ghi nhận xu hướng tăng đáng kể, cao hơn khoảng 300 điểm so với bình quân quý I, điều này đã và đang tạo áp lực lên chi phí vốn của một số NHTM”, vị lãnh đạo BIDV cho biết.

Đáng chú ý, tương quan giữa huy động vốn - tín dụng cũng tiếp tục có xu hướng thu hẹp khi tăng trưởng huy động vốn kém tích cực hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 24/6/2024, tín dụng đã tăng trưởng 4,45% so với cuối năm 2023, trong khi huy động vốn chỉ tăng 1,5%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III của các TCTD do Vụ Dự báo thống kê, NHNN thực hiện cho thấy, nhiều TCTD đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động dù rằng tính chung cả năm 2024 vẫn dự kiến giảm nhẹ lãi suất huy động so với cuối năm 2023.

Xung quanh vấn đề này, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định mặc dù kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới nhưng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi rất khả quan đến cuối năm nay. Nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức vào quý III, trong bối cảnh của áp lực giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó là thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp ở mức 4,5% so với đầu năm vào ngày 24/6, do nhiều doanh nghiệp cắt giảm hoặc tạm dừng hoạt động.

“Dựa trên những điều kiện này, việc triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất một cách linh hoạt là rất cần thiết. Standard Chartered dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản vào quý IV trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Các động thái từ FED sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của NHNN”, bà Michele Wee nói.

Theo vị lãnh đạo BIDV, dự kiến mặt bằng lãi suất huy động vốn VNĐ trong quý III tiếp tục có xu hướng tăng, khoảng 0,2% - 0,5%/năm tại nhiều NHTM, khi yếu tố tác động nhìn chung vẫn theo hướng tạo áp lực đối với lãi suất là chủ đạo. Cụ thể, dự kiến cơ quan quản lý sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng thận trọng để hỗ trợ ổn định tỷ giá, thông qua các công cụ trên thị trường mở như tín phiếu hay bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết. Theo đó, mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng dự kiến tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian dài hơn và qua đó gia tăng áp lực lên chi phí huy động của nhiều NHTM.

Cần ổn định lãi suất

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho rằng mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh; trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định. Do vậy, ông Quang dự báo mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024.

“Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4% - 5% trong năm 2024. Và trong điều kiện như vậy, chúng tôi cho rằng Chính phủ sẽ không đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát trong thời gian tới và cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh tăng lãi suất điều hành”, ông Quang nói

Còn ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, kỳ vọng lạm phát sẽ dao động gần sát mức trần mục tiêu nhưng được dự báo sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, trước khi có khả năng giảm sâu xuống dưới 4% so với cùng kỳ trong giai đoạn quý III năm nay. Do đó, áp lực tăng lãi suất đến từ yếu tố lạm phát là không cao.

Hơn nữa, việc tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp sẽ là tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, cũng như không phải là giải pháp tối ưu và duy nhất để hỗ trợ tỷ giá. Nhà điều hành đã và đang thực hiện một số biện pháp khác, chẳng hạn như phát hành tín phiếu, hay điều chỉnh lãi suất trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) linh hoạt hơn.

“Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm nay như một động thái mang tính cân bằng”, ông Khoa nhấn mạnh.

Đặt vấn đề tăng lãi suất hay không tăng lãi suất điều hành, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng cần nhìn trong tổng thể và kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với những rủi ro, thách thức như một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.

Đáng kể là hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (110 nghìn doanh nghiệp) đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời (đặc biệt là thị trường đất đai, bất động sản); áp lực tài chính (áp lực đáo hạn nợ vay và nợ trái phiếu doanh nghiệp) và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao (chi phí logistics tăng, giá năng lượng tăng…).

Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về

Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về

Ngân hàng
(VNF) - Xu hướng tăng lãi suất huy động chưa dừng lại. Trong khi đó, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút tiền về với khối lượng lớn.
Cùng chuyên mục
Tin khác