Tài chính

Tin chứng khoán 26/11: Thông tin bất lợi bủa vây, cổ đông BSR 'lao đao'

(VNF) - Trước thông tin bất lợi liên quan đến việc bị Cục Phòng, Chống tham nhũng điều tra sai phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm hạt nhựa PP, cùng với đó là khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cổ phiếu BSR đã mất tới gần 30% thị giá chỉ trong 2 tháng qua.

Tin chứng khoán 26/11: Thông tin bất lợi bủa vây, cổ đông BSR 'lao đao'

Nhiều thông tin bất lợi đang bủa vây BSR.

Tin chứng khoán: Cổ phiếu BSR mất gần 30% thị giá chỉ trong 2 tháng giữa hàng loạt thông tin bất lợi

Nhiều thông tin bất lợi đang bủa vây Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây công bố thông tin chính thức về việc BSR "vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm hạt nhựa Polypropylene (PP)".

Được biết, BSR là công ty con của PVN, hiện đang quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

PVN cho biết, qua phản ánh của báo chí về việc BSR không tuân thủ Quy chế kinh doanh sản phẩm PP, đồng thời nhận thấy hiện tượng báo chí đã nêu là có thật, Hội đồng thành viên PVN đã thành lập đoàn kiểm tra xem xét một cách toàn diện các vấn đề thương mại của BSR, để làm rõ các nội dung theo quy chế của PVN, trong đó có vấn đề về hạt nhựa PP.

"Đoàn kiểm tra đã có báo cáo, Hội đồng thành viên PVN đang xem xét và sớm có kết luận", phía PVN thông tin.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng đã thu thập hồ sơ, PVN và BSR đã cung cấp đầy đủ tài liệu.

"Sau khi có báo cáo kết luận của đoàn kiểm tra về vụ việc PP tại BSR, PVN sẽ gửi báo cáo tới các cơ quan chức năng liên quan", phía PVN cho biết.

"Ông lớn" dầu khí này cho biết thêm, khi có kết luận của cơ quan chức năng, PVN sẽ thông tin cụ thể, những hành vi và sự việc vi phạm sẽ được xử lý đúng người, đúng việc phù hợp với mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR.

Trước đó, ngày 15/8/2018, Cục Phòng, Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã gửi văn bản số 189/C.IV-P1 tới BSR .

Cục Phòng, Chống tham nhũng cho biết thời gian qua đã nhận được thông tin phản ánh những tiêu cực trong việc bán sản phẩm hạt nhựa PP, gây thiệt hại 2,886 triệu USD trong vòng 6 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, công suất của BSR là khoảng 15.000 tấn/tháng. Năm 2017, BSR đã ký hợp đồng kỳ hạn (Term contract) 3 năm (2018-2021) với thành tố Pre (tiền hạt nhựa) trong cơ cấu giá bán được thỏa thuận hàng năm (năm 2018 là 15USD/tấn) với các công ty: Công ty Cổ phần Nhựa OPEC; Công ty Cổ phần Hóa chất nhựa Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ khoan dầu khí, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung và Công ty Cổ phần Nhà và thương mại dầu khí, với tổng số lượng sản phẩm là 13.000 tấn/tháng.

Với số lượng sản xuất dư hàng tháng (Extra) khoảng 2.000 tấn, BSR ký phụ lục hợp đồng với khách hàng, hoặc giao theo giá kỳ hạn (Term) hoặc theo giá giao ngay (Spot).

Theo phản ánh mà Cục Phòng, Chống tham nhũng nhận được, trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã có 4 lần bán số hàng Extra theo kỳ hạn (Term) với thành tố Pre là 15 USD/tấn.

Vấn đề là, nhiều thời điểm trong năm 2018, giá giao ngay đã vượt 50 USD. Ngay chính BSR trong nửa đầu năm đã có 2 lần bán số hàng Extra theo giá giao ngay (Spot) với thành tố Pre là 52 USD/tấn.

Văn bản của Cục Phòng, Chống tham nhũng cho hay, giá Pre được chào bán chênh lệch rất lớn với giá đã thỏa thuận, tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho BSR. Cụ thể, có thông tin thiệt hại mà BSR đã gây ra trong việc bán sản phẩm được phản ánh là: 13.000 tấn x (52 USD – 15 USD) x 6 tháng = 2,886 triệu USD.

Để phục vụ việc quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng và có cơ sở đánh giá bản chất sự việc, Cục Phòng, Chống tham nhũng đã yêu cầu BSR cung cấp các tài liệu về việc bán sản phẩm của BSR để xem xét.

Không chỉ vướng vào lùm xùm sai phạm, BSR hiện cũng đang gặp khó trong vấn đề tăng trưởng.

Trong một bản tin phát đi mới đây, BSR bày tỏ rằng nếu Chính phủ không bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng cho BSR thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất "chẳng lần đâu ra tiền mà nâng cấp, mở rộng”.

BSR nêu thực tế rằng, mặc dù PVN, tỉnh Quảng Ngãi và và BSR đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… nhưng đã gần 3 năm qua, mọi việc gần như “dậm chân tại chỗ” bởi không có sự bảo lãnh về vốn vay của Chính phủ.

Công ty lọc hóa dầu này khẳng định việc nâng cấp và mở rộng nhà máy là nhu cầu sống còn đối với sự phát triển bền vững, vì vậy mong "Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư… khẩn trương tìm con đường đi cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất".

Nếu không nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR sẽ gặp khó trong việc duy trì vị thế cạnh tranh.

Hiện "đối thủ" mới của BSR là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có nguồn cung lên tới 8,4 triệu tấn dầu thô/năm (cao hơn 30% công suất hiện tại của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), đã bắt đầu chạy thương mại khiến nguồn cung dầu thô ra thị trường là rất lớn.

Một báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi lên Chính phủ nhận định rằng, "điều này khiến cho thị trường bị dư thừa nguồn cung dẫn đến việc tiêu thụ cũng như giá bán các sản phẩm xăng dầu của BSR bị ảnh hưởng lớn theo hướng bất lợi".

Trước những thông tin bất lợi trên, trong vòng 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu BSR đã giảm tới 29%, từ mức 20.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên 26/9 xuống còn 14.600 đồng/cổ phiếu.

VN-Index hướng tới vùng kháng cự 930 - 940 điểm

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, TTCK Việt Nam đã mất đà tăng sau 4 phiên tăng liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 6,45 điểm, tương đương với 0,70%, đóng cửa ở mức 917,97 điểm.

Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index là VNM, VHM, CTG và VCB với mức ảnh hưởng lần lượt là -0,76, -0,56, -0,39 và -0,38 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã hỗ trợ tích cực nhất đến thị trường là VIC, BVH, NVL và PLX với mức hỗ trợ là +0,34, +0,26, +0,08 và +0,05.

Về nhóm ngành, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, tất cả các nhóm ngành đều đồng loạt mất điểm. Dẫn đầu là ngành Công nghệ (-2,00%) do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ MWG (-2,10%), CMG (-1,29%) và SGT (-5,05%). Tiếp theo là ngành Dịch vụ Tiêu Dùng với mức giảm -1,27%, do sự mất điểm của VRE (-1,60%), VJC (-0,86%) và YEG (-3,11%) và ngành Hàng hóa tiêu dùng (0,87%), do chịu tác động tiêu cực từ việc VNM (-1,75%), SAB (-0,21%) và HAG (-4,37%).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặc dù VN-Index giảm điểm nhưng lực cầu giá thấp vẫn đang được duy trì và có khả năng gia tăng khi thị trường tiếp tục điều chỉnh trong các phiên sắp tới.

"Do vậy, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm hướng tới vùng kháng cự 930 – 940 điểm", BVSC dự báo.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên