Tin chứng khoán 6/11: Các CTCK còn hơn 15.000 tỷ đồng dư địa đầu tư tự doanh

Thanh Long - 06/11/2018 07:36 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán hiện có thể đầu tư thêm tối đa 31% vốn chủ sở hữu cho hoạt động tự doanh, tương đương khoản đầu tư trị giá 15.230 tỷ đồng

VNF
Các công ty chứng khoán có thể 'rót' thêm tối đa khoảng 15.000 tỷ vào thị trường

Tin chứng khoán: Các công ty chứng khoán có thể 'rót' thêm tối đa khoảng 15.000 tỷ vào thị trường

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra báo cáo chiến lược đầu tư tháng 11/2018 với nhiều quan điểm đáng chú ý.

Theo VDSC, vào ngày 30/10, VN-Index đóng cửa ở mức 889, giao dịch ở mức P/E 15.7 lần. Trong hai năm qua, thị trường hiếm khi nào giảm sâu xuống dưới mức P/E 15.6 lần. Vì thế, rất có khả năng là VN-Index đã ở ngưỡng hỗ trợ mạnh.

Thêm vào đó, áp lực margin trong thời gian tới được VDSC nhận định là "không quá căng thẳng", dù dư nợ margin đang dao động quanh mốc 40.000 tỷ đồng.

"Chỉ số sẽ không tăng thần tốc trở lại theo hình chữ V mà cần nhiều thời gian. Chúng tôi cũng cho rằng chỉ số sẽ đi lên trong những tuần cuối cùng của năm 2018, khi đó là thời điểm then chốt để các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục", VDSC đưa ra thêm nhận định.

Dư nợ margin toàn thị trường đang ở mức khoảng gần 40.000 tỷ

Loại trừ kết quả của nhóm ngành tài chính, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của thị trường trong quý 3 chỉ lần lượt là 12% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm nay, VDSC nhận thấy đóng góp của nhóm ngành tài chính, GAS và MSN vào tăng trưởng thu nhập của cả thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này lo ngại tăng trưởng của những trụ cột này trong năm tới khó có thể tích cực được như vậy. Do đó, thị trường chứng khoán năm 2019 hứa hẹn sẽ còn nhiều khó khăn hơn.

"Nhưng sau cùng, các thị trường mới nổi tiềm năng vẫn có khả năng thu hút các nhà đầu tư. Mức sinh lời trội hơn của các thị trường mới nổi Latin như Mexico và Brasil so với các thị trường mới nổi Châu Á cho đến thời điểm hiện tại là một minh chứng. Chúng tôi chờ đợi một sự đảo ngược xảy ra vào năm sau", VDSC nêu quan điểm.

Loại trừ nhóm ngành tài chính, lợi nhuận toàn thị trường chỉ tăng 9% thay vì 21%

Ai sẽ là người dẫn dắt thị trường trong thời gian tới?

VDSC cho biết, báo cáo quý ba của hai mươi công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất cho thấy họ chưa dùng hết hạn mức của mình cho khối tự doanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định một công ty chứng khoán chỉ được phép dùng tối đa 70% vốn chủ sở hữu của mình cho nghiệp vụ tự doanh.

Trừ các công ty sau như VCBS, CTS và VIX thì các công ty còn lại đều giữ vị thế tự doanh của mình dưới ngưỡng quy định này. Với chỉ số (FVTPL + AFS)/ vốn chủ sở hữu trung bình chỉ khoảng 39%, các công ty chứng khoán còn dư địa rất lớn cho hoạt động tự doanh của mình. Tổng vốn chủ sở hữu của các công ty này là 49.111 tỷ VND, ngụ ý rằng họ có thể đầu tư thêm 31% vốn chủ sở hữu của mình, tương đương khoản đầu tư trị giá 15.230 tỷ VND.

Trong khi đó, báo cáo cuối tháng 9 của các quỹ lại cho thấy một bức tranh nhiều màu về vị thế tiền mặt của mình. Các quỹ dồi dào tiền mặt như VFMVF1, VFF, VCBF-TBF và ENF duy trì lượng tiền tương tương 20% đến 40% tổng tài sản. Trong khi đó, VOF chỉ có 5,5% tài sản là tiền mặt còn VEIL thì còn thấp hơn nhiều theo báo cáo vào ngày 31/10, chỉ 0,7%.

"Các nhà đầu tư tổ chức với sức ảnh hưởng lớn của mình đối với thị trường vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, với xu hướng bán ròng liên tiếp của khối nhà đầu tư ngoại và các quỹ ngoại hàng đầu như VOF và VEIL đang ở trong vị thế sở hữu rất ít tiền mặt thì các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thời gian sắp tới. Mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không quá lớn vì sự e dè vẫn bao trùm thị trường sau ba phiên giảm sâu của thị trường trong năm nay", VDSC dự báo.

VN-Index tiếp tục hồi phục trong phiên 6/11?

Phiên 5/11, thị trường Hoa Kỳ và châu Á đồng loạt điều chỉnh cùng với áp lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư khiến cho VN-Index rơi mạnh ngay từ đầu phiên, có thời điểm mất gần 1% điểm số. Tuy vậy, lực cầu tập trung vào nhóm vốn hóa lớn như VRE, BID, PLX đã giúp chỉ số hồi phục mạnh trong phiên chiều và đóng cửa trong sắc xanh.

VN-Index và VN30-Index đóng cửa tăng lần lượt 0,67 điểm và 1,4 điểm, lên ngưỡng 925,53 điểm và 904,83 điểm. Riêng VRE đã tăng 3,5%, đóng góp 0,63 điểm trong mức tăng của VN-Index.

Xu hướng phân hóa diễn ra tại các nhóm ngành chủ chốt như Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán và Dầu khí. Nhóm Tôn mạ gây chú ý khi HSG và NKG hồi phục mạnh, lần lượt tăng 6% và 5,6%.

Nhiều cổ phiếu Dệt may chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt sau phiên giao dịch bứt phá cuối tuần trước. GMC ghi nhận phiên tăng trần thứ hai liên tiếp trong khi TCM, TNG tăng lần lượt 2,8% và 1,1%.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, VN-Index đã có phiên giao dịch tăng điểm nhẹ với cây nến ngày là nến tăng, có bóng nến dưới và không có bóng nến trên cho thấy đà tăng vào cuối phiên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thanh khoản đã giảm so với phiên liền trước và giảm trở lại nền khối lượng giao dịch tuần, cho thấy thị trường vẫn đang giằng co tích lũy.

"Đà tăng có khả năng vẫn tiếp tục được duy trì và VN-Index sẽ thử thách ngưỡng cản 930-940 trong một hai phiên tiếp theo", SSI cho hay

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì cho rằng, việc lực cầu đã hấp thu khá tốt lượng cung dẫn đến việc thị trường đảo chiều trong phiên 5/11 đã cho thấy nhà đầu tư vẫn còn tâm lý lạc quan kỳ vọng vào xu hướng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn. Nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong những phiên tiếp theo.

BVSC dự báo, xu hướng hồi phục ngắn hạn của chỉ số có thể sẽ được duy trì với đích gần vùng kháng cự mạnh 940-950 điểm.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Cùng chuyên mục
Tin khác