Tin chứng khoán ngày 4/9: Cẩn trọng bộ đôi SRA - SRB

Thanh Long - 04/09/2018 07:02 (GMT+7)

(VNF) – Bộ đôi SRA – SRB từng “tăng bằng lần” rồi nhanh chóng rớt về khoảng giá “trà đá”, duy trì cho đến khi đón đợt tăng phi mã gần đây.

VNF
Đang có một cổ phiếu dường như “ăn theo” hiện tượng SRA, đó là cổ phiếu SRB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara.

Tin chứng khoán: Sau SRA, ‘sóng thần’ gọi tên SRB?

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, cổ phiếu SRA của Công ty Cổ phần Sara Việt Nam đã tăng chóng mặt từ khoảng giá 10.000 đồng lên mức 63.900 đồng chốt phiên 31/8, nghĩa là tăng gấp hơn 6 lần. Hầu hết các phiên là tăng kịch trần biên độ 10%.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho mức tăng không tưởng này, tuy nhiên “có cơ sở nhất” vẫn là việc lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của SRA tăng vọt lên 29,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 883 triệu đồng. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) theo đó cũng tăng vọt từ 442 đồng lên 14.393 đồng.

Nửa đầu năm, SRA đạt doanh thu 53,8 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm 2017.

Sự chuyển biến này được cho là xuất phát từ việc SRA đổi hướng sang bán thiết bị y tế, thực hiện các dự án liên quan đến môi trường, các dự ản kinh doanh sản phẩm tiêu dùng Nhật…

Năm 2018, SRA đặt tham vọng đạt 225 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng. Cần lưu ý rằng, tổng lợi nhuận sau thuế 10 năm qua của SRA chỉ ở mức 6,2 tỷ đồng.

Tạm bỏ qua những hoài nghi về kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh lẫn tính bền vững của đợt tăng giá “không tưởng” trên của SRA, xét trên một bình diện khác, đang có một cổ phiếu dường như “ăn theo” hiện tượng SRA, đó là cổ phiếu SRB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara.

4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu SRB đã tăng trần liên tiếp từ mức 1.400 đồng mở phiên 28/8 lên 2.300 đồng chốt phiên 31/8, tương đương mức tăng tới 64%.

Đáng chú ý, năm 2017, SRB lỗ tới hơn 10 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Năm 2018, công ty này đặt kế hoạch lãi… 100 triệu đồng.

Báo cáo thường niên năm 2015 của SRA vẫn giới thiệu công ty này thuộc Tập đoàn Sara (SRB). Người đưa ra lời giới thiệu trên là ông Trần Khắc Hùng – thời đó vẫn còn là Chủ tịch HĐQT của cả SRA và SRB.

Tuy nhiên, điểm lạ là báo cáo thường niên từ khi niêm yết năm 2008 tới nay của SRB không ghi nhận SRA trong danh sách các công ty có vốn góp của SRB, mà chỉ ghi rằng SRB và SRA cùng góp vốn đầu tư dự án Vân Canh.

Sở dĩ SRA được gọi là thành viên của SRB là bởi ông Trần Khắc Hùng từng là Chủ tịch HĐQT của cả 2 công ty. Tuy nhiên năm 2016, ông Hùng đã rời cương vị Chủ tịch HĐQT SRA và cũng đã thoái toàn bộ vốn khỏi đây. Như vậy, SRA và SRB chỉ còn “sợi dây liên kết mỏng manh” là dự án Vân Canh – dự án được 2 bên tuyên bố liên doanh thực hiện từ năm 2010 và đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.

Năm 2010, khi thông tin về dự án Vân Canh rộ lên (cùng với thông tin SRB sắp cho ra mắt sản phẩm từ Nhà máy rượu BORSMI), bộ đôi SRA – SRB cũng đã làm dậy sóng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, trong vòng 3 tháng từ tháng 4/2010 đến tháng 6/2010, cổ phiếu SRA đã tăng gấp hơn 5 lần, từ khoảng giá 9.000 đồng lên đỉnh 47.860 đồng (tỉnh theo giá điều chỉnh). Trong khi đó, từ tháng 4/2010 đến tháng 7/2010, cổ phiếu SRB cũng tăng tới 3,7 lần, từ khoảng giá 7.000 đồng lên đỉnh 26.700 đồng (tính theo giá điều chỉnh).

Sau thời kỳ tăng trưởng chóng vánh, bộ đôi này nhanh chóng rớt về khoảng giá “trà đá”, duy trì cho đến khi đón đợt tăng phi mã gần đây.

VN-Index gặp khó ở mốc 1000 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa tháng 8 giảm khá mạnh. VN-Index giảm 8,53 điểm (tương đương 0,85%) về mức 989,54 điểm. Tương tự, VN30-Index giảm 6,2 điểm (tương đương 0,7%) về 969,23 điểm.

Tựu chung, 3 cổ phiếu VHM, GAS và VCB đã lấy mất 5,48 điểm của VN-Index và các nhóm ngành chủ chốt (Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Dầu khí) đều chịu áp lực bán trong phiên.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), VN-Index đã có phiên giao dịch giảm điểm với cây nến ngày là nến giảm có bóng nến trên, cho thấy tâm lý giằng co khi vùng giá lên cao. Thanh khoản đã tăng so với phiên trước đó và duy trì quanh mức nền khối lượng giao dịch tuần, là tín hiệu cho thấy sức cung đã tăng lên, tuy nhiên chưa phải quá cao trong một phiên thử thách ngưỡng cản tâm lý 1000.

“Chỉ số có khả năng thử thách ngưỡng hỗ trợ 985 trong phiên tiếp theo, đây là mốc đánh giá độ mạnh yếu của sức cầu hiện tại. Trường hợp không giữ được mốc 985 này, có khả năng sức cầu sẽ yếu đi tạm thời và VN-Index cần nhiều thời gian tích lũy hơn để có thể vượt qua được mốc 1000”, SSI đánh giá.

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì dự báo chỉ số VN-Index có thể tiếp tục gặp phải áp lực rung lắc sau khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ. BVSC cho rằng, việc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ leo thang sau ngày 6/9 sẽ là rủi ro cần lưu ý đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Cùng chuyên mục
Tin khác