Tín dụng 6 tháng tăng trưởng chậm, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm 2019

Hải Đường - 16/06/2020 18:49 (GMT+7)

(VNF) - Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 được tổ chức sáng 16/6 tại TP. HCM, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến thời điểm này chỉ đạt 2,13% so với đầu năm.

VNF
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi họp báo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dù Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng và khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng cầu tín dụng vẫn tăng trưởng thấp.

Tính đến 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019; tính đến 16/6/2020, tín dụng tăng 2,13% so với đầu năm 2020. So với cùng kỳ năm 2019, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 1/2.

Chia sẻ về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: tín dụng nông nghiệp nông thông tăng 0,35%; tín dụng sản xuất xuất khẩu tăng 4,94%; tín dụng công nghệ cao tăng 2,92%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%. Trong khi đó, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 0,7%; tín dụng tiêu dùng cũng giảm.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội có mức tăng trưởng tín dụng là 3,14%. Ngay từ khi dịch Covid-19 mới phát hiện tại Việt Nam, ngành ngân hàng đã tiến hành rà soát, đánh giá số dư nợ bị ảnh hưởng và tiến hành hỗ trợ khách hàng.

Trước số dư nợ bị ảnh hưởng lên tới 2 triệu tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để tái cơ cấu, giãn nợ và giảm phí cho khách hàng. Tuy nhiên, cầu tín dụng vẫn chưa thể tăng trưởng cao do nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh trả nợ, nhu cầu vốn mới ít và một số doanh nghiệp không đảm bảo được khả năng trả nợ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vì dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên nhu cầu vốn của khách hàng khó tăng cũng là điều phù hợp với diễn biến của nền kinh tế hiện nay.

Bà Hồng cũng đánh giá rằng thanh khoản của ngành đang khá dồi dào nên ngân hàng sẵn sàng cho vay nếu doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện tín dụng. Ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay để đẩy tín dụng tăng.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hùng nêu rõ tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp nên cũng có những khó khăn về tình hình doanh thu. Thực tế, thu nhập của các tổ chức tín dụng đã bắt đầu sụt giảm, hơn thế nữa luôn tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoán cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Riêng ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần, với tổng mức giảm từ 1,0% – 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0,6% – 0,75%/năm và giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 5%/năm để hỗ trợ giảm chi phí tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 7/5/2020 quy định về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 16.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Mục đích là để cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngưng việc do Covid-19.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ 3.856,2 tỷ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149,2 tỷ đồng.

Về các tổ chức tín dụng nói chung, tính đến 8/6/2020, đã có 249.108 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ là 172.365 tỷ đồng; 403.177 khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ là 1.227.349 tỷ đồng; 225.514 khách hàng được vay mới 978.529 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi lũy kế từ 23/1 đến nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác