Tín dụng bế tắc, nới cửa cho vay tín chấp?

Mai Anh - 21/10/2023 19:26 (GMT+7)

(VNF) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết sẽ chỉ đạo các NHTM cần mạnh dạn hơn trong cho vay tín chấp, giảm bớt thủ tục về tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

VNF

Phát biểu tại hội nghị đối thoại với DN mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh thêm: “Tất nhiên cho vay phải đảm bảo an toàn chứ không thể cho vay “bạt mạng” để rồi sau này không thu hồi được gốc lẫn lãi”, Phó Thống đốc lưu ý.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp rất muốn vay nhưng không vay được, trong khi nhu cầu cho vay có.

Rất nhiều doanh nghiệp đang đề nghị ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp để dễ bề tiếp cận vốn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thừa nhận, thà để tiền ế trong kho còn hơn “thả gà ra đuổi”.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, việc cho vay tín chấp với doanh nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là nền tảng thông tin, dữ liệu của khách hàng vẫn rất sơ khai, chưa được đồng nhất. Hơn nữa, tuy khẩu vị rủi ro của các ngân hàng là khác nhau, song cơ bản, việc cho vay phải tuân theo quy định pháp luật.

Đại diện một ngân hàng thương mại chia sẻ: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, song mong doanh nghiệp cũng phải thấu hiểu ngân hàng. Nếu cho vay vô tội vạ, ngân hàng đổ vỡ vì nợ xấu, thì cả nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả.

Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất yếu, phương án kinh doanh mới không có, ngân hàng không có cơ sở để cho vay mới. Nhưng trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, việc mở rộng các kênh huy động vốn, đặc biệt qua thị trường chứng khoán, trái phiếu là những bài toán rất cấp bách.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc nới rộng cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc chấp nhận tài sản đảm bảo là dòng tiền tương lai sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn cần thận trọng với nguyên tắc bất di bất dịch là đảm bảo an toàn hệ thống.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành ngân hàng phải kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, sửa đổi ngay trong tháng 6/2023 để việc tiếp cận vốn thuận tiện hơn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tính toán liều lượng phù hợp trong huy động vốn để kích thích tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ.

Cùng chuyên mục
Tin khác