Ngân hàng

Tình cảnh 2024: Đơn hàng đã về nhưng DN cạn vốn, hết tài sản thế chấp vay tiền

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường do gặp hàng loạt khó khăn, trong đó có khó khăn về tiếp cận vốn vay. Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã đề xuất nhiều giải pháp để tránh kịch bản “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn đói vốn” lặp lại trong năm 2024.

Tình cảnh 2024: Đơn hàng đã về nhưng DN cạn vốn, hết tài sản thế chấp vay tiền

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp vẫn ốm yếu

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2024, có tới 53.888 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, chiếm 81,5%.

Như vậy, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cao gần gấp đôi so với số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.

Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong tháng 1 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 1.587 DN (chiếm 73,3%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 1.879 doanh nghiệp (chiếm 86,8%, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023).

Theo báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), tình hình và triển vọng kinh tế qua góc nhìn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Qua những con số thống kê, có thể thấy rằng “doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau 2 năm Covid-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế”, báo cáo nhấn mạnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này. Theo các chuyên gia phân tích của VIS Rating, suy thoái kinh tế khiến nhu cầu từ thị trường toàn cầu cũng giảm theo đã đè nặng lên nên kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.

Tình hình lạm phát tăng cao, nguyên liệu đầu vào khan hiếm và đắt đỏ, giá cả thị trường tăng vọt, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi,… khiến nhiều doanh nghiệp ngày càng thêm ốm yếu.

Trong khi đó, theo báo cáo doanh nghiệp mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp đang phải đối mặt với 5 khó khăn lớn, trong đó khó khăn về tiếp cận vốn vay chiếm tới 51,5%, chỉ xếp sau khó khăn về đơn hàng với 59,2%.

Vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh. Nếu cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực thì khả năng phục hồi và phát triển của doanh nghiệp cũng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất thực vẫn trên 11% - 13%, thậm chí có khoản vay phải trả lên tới 15,9% cùng điều kiện cho vay còn khắt khe, niềm tin về khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện.

Thống kê của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chỉ ra, chỉ có 6,8% doanh nghiệp có đánh giá tích cực về khả năng tiếp cận vốn vay trong năm 2024 trong khi có tới 37,7% tiêu cực và 23,1% rất tiêu cực.

Tránh “bổn cũ soạn lại”

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn vay, không ít doanh nghiệp đã phải lên tiếng “kêu cứu”. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng TP.HCM năm 2024, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM từng chia sẻ, ngay từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tình hình suy giảm tiêu dùng toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, không bán được hàng hóa buộc doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm bớt lao động, hàng hóa xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Theo đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách hy sinh một phần lợi nhuận để giảm thêm lãi vay cho các doanh nghiệp.

Lý giải về điều này, ông Tuệ cho hay, lãi suất đã giảm sâu nhưng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn chưa tăng lên do không bán được hàng hóa nên không thể mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số khó khăn như tình hình tài chính chưa minh bạch, tài sản thế chấp… nên việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng vẫn còn gặp nhiều rào cản.

Trên thực tế, trong thời gian qua, phía ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều ngân hàng cũng đã chứng kiến mức sụt giảm trong lợi nhuận năm 2023, một phần do giảm chi phí lãi vay. Đơn cử như lợi nhuận trước thuế của Techcombank cũng giảm tới 10% so với năm 2022 dư nợ của khối khách hàng doanh nghiệp lớn hơn và áp lực cạnh tranh lãi suất, trích báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2023, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Song song với đó, NHNN còn liên tục tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, ví dụ như gói 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở hay các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lâm nghiệp, thuỷ sản…

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng "kêu cứu".

Sang năm 2024, NHNN cũng đã chủ động giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm cho các ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế. NHNN cũng sẵn sàng nới room tín dụng lên 16% nếu nền kinh tế cần và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024.

Song, phải thừa nhận rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng như kỳ vọng, trong cả năm 2023 và tháng đầu tiên của năm 2024. Trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng vẫn đang diễn ra ở mức chậm. Theo thống kê mới nhất, tính đến ngày 18/1, dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống giảm 1,52% so với cuối năm 2023 cho thấy mức tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mặc dù số lượng đơn hàng đã tăng lên nhưng nhiều doanh nghiệp cạn vốn và hết tài sản để thế chấp vay thêm. Điều này lại tiếp tục đẩy doanh nghiệp ra xa khỏi vốn tín dụng.

Để tránh rơi vào kịch bản “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn đói vốn” như trong năm 2023, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã có đề xuất NHNN xây dựng chính sách giải ngân với lãi suất thực vay thấp hơn, điều kiện vay cải thiện hơn, thủ tục nhanh hơn và tập trung hỗ trợ các DN có khả năng phục hồi nhanh; tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vay vốn với các DN vừa và nhỏ (vì chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế).

Ngoài ra, các khoản vay lưu động cũng nên được tăng thêm thời hạn đáo hạn để giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp thay vì thời gian 3 tháng, 6 tháng hay 9 tháng như hiện tại.

Ngân hàng cần mở rộng cho vay vốn đối với các công ty khởi nghiệp chưa có tài sản thế chấp với mức lãi suất dưới 10%/ năm để doanh nghiệp có thể sống sót và mở rộng quy mô trong những năm đầu. Đồng thời, gói cho vay hỗ trợ doanh nghiệp 2% cũng cần có thủ tục thông thoáng, ít yêu cầu hơn.

Tin mới lên