Tiêu điểm

Tỉnh duy nhất có chất lượng điều hành kinh tế 'rất tốt', Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI 2021

(VNF) - Quảng Ninh vẫn tiếp tục đứng đầu PCI 2021 với điểm số 73,02. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI.

Tỉnh duy nhất có chất lượng điều hành kinh tế 'rất tốt', Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI 2021

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI 2021.

Năm 2021 vừa qua là một năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua chỉ số niềm tin kinh doanh sụt giảm mạnh so với nhiều năm trước. Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng chất lượng điều hành của các chính quyền địa phương vẫn được cải thiện mạnh mẽ, các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân.

Một số địa phương khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế, tăng cường chất lượng điều hành cũng như quản trị tốt dịch bệnh theo đánh giá của doanh nghiệp.

Trong bảng xếp hạng, tuy điểm số thấp hơn năm ngoái nhưng Quảng Ninh vẫn tiếp tục đứng đầu PCI 2021 với điểm số 73,02. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế “Rất tốt”. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI.

Theo VCCI, kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2021, khi chính quyền tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Trong năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch CDVID-19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vẫn duy trì quyết tâm cải thiện chất lượng điều hành của địa phương mình qua việc ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều thống nhất cơ chế làm việc theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả).

Tính đến hết tháng 2/2022, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp được 1.712 dịch vụ ở mức độ 3 và mức độ 4 trong tổng số 1,831 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.387 thủ tục, tương đương 75% số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ áp dụng dịch vụ công trực tuyến của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với tỷ lệ trung bình khoảng 48%. Những nỗ lực thực chất của tỉnh Quảng Ninh đã giúp địa phương đứng đầu ở hai chỉ số thành phần của PCI 2021 là Chi phí gia nhập thị trường (7,98 điểm) và Chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang hiện thực hóa cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề ra phương châm "năm thật" để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật - doanh nghiệp nói thật - chính quyền hành động thật - các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật - và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.

 Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có trọng số năm 2021 - PCI 2021

Đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2021 là thành phố Hải Phòng với điểm số đạt 70,61 điểm. Thành phố Hải Phòng đã cải thiện được 5 bậc trong xếp hạng PCI năm nay và đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay nhờ những cố gắng trong thuận lợi hóa môi trường kinh doanh tại địa phương.

VCCI cho biết Hải Phòng đã tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua đối thoại trực tiếp hằng tháng giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành chức năng.

Cùng với đó, Hải Phòng cũng đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch làm đầu mối theo mô hình “một cửa” cho các hoạt động đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nhờ vậy, trong năm 2021, thành phố không chỉ thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong nước mà còn vươn lên dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng trong năm 2021, thành phố Hải Phòng lần đầu tiên tiến hành đánh giá và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và cấp huyện (DDCI). Việc đánh giá DDCI là một bước độ mạnh mẽ và nỗ lực cải cách tại một thành phố lớn, trực thuộc trung ương như Hải Phòng.

Xếp ở vị trí thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI 2021 là hai tên địa phương quen thuộc - tỉnh Đồng Tháp và thành phố Đà Nẵng. Tỉnh Đồng Tháp đạt điểm số PCI 70,53, tiếp tục đứng đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính từ năm 2008 đến 2021, tỉnh đã có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Được biết đến với sáng kiến “Cà phê doanh nhân” bắt đầu từ năm 2016, Đồng Tháp hiện nay còn mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh.

Tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích sự thành lập các hội quán và các hợp tác xã nhằm tăng cường kết nối giữa những cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau lớn mạnh hơn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là một hình thức hiệu quả giúp kết nối chuỗi giá trị ở địa phương, đặc biệt là các chuỗi giá trị về nông sản.

Tương tự tỉnh Đồng Tháp, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương có sự ổn định nhất về kết quả chất lượng đánh giá năng lực điều hành kinh tế qua thời gian. Với điểm số 70,42, thành phố Đà Nẵng cải thiện một bậc thứ hạng so với năm 2020 để giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI 2021.

Bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên, thành phố Đà Nẵng đã thành lập thêm Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng. Các tổ công tác liên ngành này sẽ giúp nắm bắt nhanh chóng các vấn đề của doanh nghiệp và giúp chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các tổ công tác cũng sẽ hỗ trợ tích cực công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng năm nay là sự trở lại của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục.

Những vị trí tiếp theo trong top 10 PCI 2021 là các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hà Nội. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quay trở lại top 10 PCI sau 8 năm kể từ PCI 2013 (đứng vị trí thứ 2). Tương tự, kể từ sau PCI 2009 với vị trí thứ 8, đây mới là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu.

Ở top cuối, so với năm 2020, Bạc Liêu đã có sự cải thiện mạnh mẽ khi leo lên vị trí 55 với điểm số 61,25. Mặc dù vậy, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh này vẫn nằm trong nhóm "tương đối thấp".  Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với điểm số 56,29, tỉnh Cao Bằng đã rơi xuống vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng PCI 2021. Điểm số này thấp hơn so với năm 2020 là 5,91 điểm. 

Xếp ngay phía trên tỉnh Cao Bằng là Hoà Bình với 57,16 điểm. Tỉnh này cũng bị đánh giá có chất lượng điều hành kinh tế "thấp".

Tin mới lên