Tổng công ty 36 được 'tư nhân hoá' ra sao?

Nghi Điền - 27/12/2017 13:58 (GMT+7)

Chưa tới 2 năm sau cổ phần hoá, ông Nguyễn Đăng Giáp cùng người nhà sở hữu gần 60% vốn của Tổng công ty 36.

VNF
Vốn điều lệ của Tổng công ty 36 là 430 tỷ đồng, chia thành 43 triệu cổ phần.

Công ty 'họ 36'

Theo phương án cổ phần hoá được phê duyệt ngày 22/2/2016, vốn điều lệ của Tổng công ty 36 là 430 tỷ đồng, chia thành 43 triệu cổ phần, trong đó Nhà nước chiếm 40%, bán ưu đãi người lao động 7,79%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 42,21% và bán đấu giá công khai (IPO) 10%.

Ngày 14/4/2016, phiên IPO 4,3 triệu cổ phần của Tổng công ty 36 diễn ra thành công. Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện là pháp nhân đấu trúng phần lớn (4,25 triệu cổ phần, tỷ lệ 9,87%) với đơn giá 15.102 đồng/cổ phần.

Trước đó, theo phương án cổ phần hoá, hai cổ đông chiến lược được xác định là Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc mua 14,152 triệu cổ phần (32,9% vốn) và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Anh Quân mua 4 triệu cổ phần (9,3%). Đơn giá bán cho hai nhà đầu tư chiến lược là 10.000 đồng/cổ phần, bằng 2/3 mức đấu giá trong phiên IPO.

Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được thành lập từ năm 2003, với các cổ đông sáng lập đều là người nhà của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, bao gồm các ông Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Đăng Hiếu, Nguyễn Văn Hiền và vợ ông Hiền là bà Hà Thanh Vân.

Mới đây, ngày 19/12, Trường Lộc đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Đăng Hiền chiếm 87%, bà Hà Thanh Vân có 8,75%. Hai ông Nguyễn Đăng Hiếu và Nguyễn Đăng Hùng đã chuyển nhượng cổ phần.

Về phần mình, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008, có trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An, với các cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Ngọ (em trai ông Nguyễn Đăng Giáp), bà Phạm Thị Thu Hiền và một thể nhân khác là Nguyễn Thúc Kiều.

Vốn điều lệ của Anh Quân ở mức 70 tỷ đồng, trong đó ông Ngọ nắm 40%, bà Hiền sở hữu 50%. Địa chỉ khai báo trong hồ sơ thuế của cả hai thể nhân này đều là Khối 12, P. Lê Lợi, TP. Vinh, Nghệ An.

Cổ phần chi phối

Đầu tháng 6/2017, Tổng công ty 36 phát hành 57 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

Trong tổng số 50,6 triệu cổ phiếu phát hành thành công, theo số liệu công bố tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy ông Nguyễn Đăng Giáp và người nhà mua phần lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Đăng Giáp đăng ký mua 15,1 triệu quyền mua, mua thành công 9,28 triệu quyền mua và sở hữu 12,3 triệu cổ phiếu Tổng công ty 36.

Em trai ông Giáp là ông Nguyễn Văn Hiền mua thành công 7,25/7,55 triệu quyền mua đăng ký, nâng số lượng cổ phần sở hữu từ 0 đơn vị lên 9,61 triệu cổ phần.

Các người em trai còn lại của ông Nguyễn Đăng Giáp cũng mua thành công lượng lớn cổ phiếu. Số lượng cổ phần của ông Nguyễn Đăng Hùng sau khi Tổng công ty 36 tăng vốn là 1,6 triệu cổ phần, của ông Nguyễn Đăng Trung là 4,2 triệu cổ phần, ông Nguyễn Đăng Hiếu là 0,73 triệu cổ phần, ông Nguyễn Đăng Thuận là 0,5 triệu cổ phần.

Tổng cộng sáu anh em ông Nguyễn Đăng Giáp sở hữu 28,76 triệu cổ phần Tổng công ty 36. Trước đó các thể nhân này có cổ phần không đáng kể tại đây.

Về phần hai cổ đông chiến lược đều liên quan tới các em trai của ông Nguyễn Đăng Giáp, Công ty Trường Lộc dù đăng ký bán bớt quyền mua song vẫn tăng số lượng cổ phần từ 14,152 triệu cổ phần lên 21,33 triệu cổ phần.

Không có thông tin công bố từ Công ty Anh Quân. Nếu doanh nghiệp này giữ nguyên 4 triệu cổ phần (không đăng ký mua thêm trong đợt phát hành), thì tổng khối lượng cổ phần mà ông Nguyễn Đăng Giáp cùng các cá nhân, pháp nhân liên quan sở hữu lên tới khoảng 54 triệu đơn vị, chiếm 58% vốn của Tổng công ty 36.

Ngoài ra, theo Cáo bạch phát hành cổ phiếu 2017, ông Nguyễn Đăng Giáp đại diện Nhà nước sở hữu 6,88 triệu cổ phần, ông Nguyễn Đăng Thuận đại diện Nhà nước nắm 2,58 triệu cổ phần. Từ cuối tháng 8/2017, số cổ phần được uỷ quyền của ông Nguyễn Đăng Thuận tăng lên mức 12 triệu cổ phần sau khi ông Nguyễn Thanh Giang nghỉ hưu theo chế độ.

Theo Báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2016 của Tổng công ty 36, ngoại trừ vợ đã nghỉ hưu và hai con gái (một kinh doanh tự do, một là sinh viên), các thành viên gia đình ông Nguyễn Đăng Giáp đều làm việc và đa số nắm chức vụ quan trọng tại Tổng công ty 36.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hiền là Thành viên HĐQT; ông Nguyễn Đăng Trung là Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ, đồng thời là Giám đốc Công ty 36.66; ông Nguyễn Đăng Thuận là Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ, và là Giám đốc Công ty 36.67; ông Nguyễn Đăng Hùng là Giám đốc Công ty Cổ phần 36.62; ông Nguyễn Đăng Hiếu là Giám đốc Công ty 36.65. 

Ngoài ra, con gái thứ của ông Giáp là bà Nguyễn Thị Thu An (SN 1987) hiện đang là Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, nơi người em Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1991), thể nhân từng đứng tên góp 100 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần 36 Land, đang làm nhân viên dưới quyền.

Theo Nhà Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.