Tổng giám đốc SJC muốn bỏ độc quyền vàng miếng vì 'không được hưởng lợi gì'
(VNF) - Tổng giám đốc SJC đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp không được sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu, nên không hưởng lợi từ việc vàng tăng giá mà còn bị mang tiếng trục lợi.
Nội dung trên được lãnh đạo SJC nêu tại họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP.HCM, chiều 16/5.
Bà Lê Thuý Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết kể từ năm 2012 đến nay, SJC không được sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu, thay vào đó, doanh nghiệp chỉ thực hiện gia công từ vàng miếng và kinh doanh vàng bạc đá quý đơn thuần.
Đồng thời, tất cả hoạt động liên quan đến vàng miếng SJC đều được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước.
Theo Nghị định 24/2012, SJC không được nhập, dập vàng miếng. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Công ty này chỉ được dập lại vàng móp.
Do vậy, về việc vàng miếng tăng giá trong thời gian qua, bà Hằng khẳng định "SJC không có lợi ích gì ở đây cả".
Theo bà Hằng, Nghị định 24/2012 ra đời đã làm rất tốt vai trò và rất thành công. Nhưng bà đề xuất nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng trong Nghị định vì độc quyền vàng không mang lại lợi ích cho SJC hay cá nhân, tập thể nào cả.
"Độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi", bà Hằng nói.
Tổng giám đốc SJC cho rằng dù giá chênh lệch 15-20 triệu đồng hay hơn nữa công ty cũng không được lợi.
Bà Hằng dẫn chứng thêm: trước năm 2012 - thời điểm Nghị định 24 ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.
"SJC mang tiếng là thương hiệu vàng độc quyền. Tôi hy vọng có thể cởi bỏ độc quyền về vàng miếng để tất cả thương hiệu đủ điều kiện dập vàng miếng và cạnh tranh tranh công bằng. Qua đó, người dân có thể lựa chọn mua thương hiệu mình mong muốn", bà Hằng cho hay.
"Vàng cũng là kênh đầu tư có lợi cho người dân, người dân có lợi thì họ có quyền mua vàng, chúng ta không thể cấm được. Chúng tôi chỉ giải quyết người ta đầu cơ, ôm vàng để rồi bán giá cao", bà Hằng nói thêm.
Đồng thời, Tổng giám đốc SJC đề xuất Chính phủ và NHNN cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng bởi vì không có nguyên liệu để sản xuất dẫn tới vàng nhập lậu rất nhiều.
Theo bà, việc không được nhập vàng cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung vàng ra thị trường, trong khi nhu cầu người dân quá cao dẫn tới việc giá vàng tăng "nóng".
Tổng giám đốc SJC đồng tình việc thanh, kiểm tra sẽ giúp thị trường này phát triển lành mạnh hơn. Bà Hằng cũng đề nghị nhà chức trách cần yêu cầu tất cả doanh nghiệp bán vàng phải xuất hóa đơn đỏ, đảm bảo nguồn gốc, công bằng trong kinh doanh.
Đề xuất của lãnh đạo SJC đưa ra trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục biến động thời gian qua. Ngày 10/5, giá vàng miếng SIC vượt 92 triệu đồng một lượng - mức cao nhất từ trước đến nay.
Mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao, dao động 16-17 triệu đồng, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng một lượng.
Lý giải thêm về việc vàng tăng giá trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN, cho biết nguyên nhân khách quan còn đến từ thị trường vàng thế giới.
Đồng thời, về bản chất, vàng vẫn là kênh đầu tư tài chính, bên cạnh bất động sản, chứng khoán... nên dẫn tới áp lực cung - cầu.
Trước biến động giá vàng tăng cao, NHNN đã và đang thực thi các chỉ đạo của Chính phủ trong đó có hoạt động tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC.
Sau 7 phiên thầu được tổ chức trong gần một tháng qua, trong đó 3 phiên bị hủy, trên 27.000 lượng vàng miếng SJC được cơ quan quản lý tung ra thị trường. NHNN cho biết sẽ tăng cung ra thị trường qua đấu thầu.
Đánh giá về hoạt động đấu thầu, ông Lệnh cho rằng đây là giải pháp nghiệp vụ của ngân hàng trung ương nhằm tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường, góp phần đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài ra, hoạt động này nhằm mục đích phát ra tín hiệu định hướng điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường vàng, không gây tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
NHNN cho biết sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc xuất hóa đơn, chứng từ kế toán đúng theo quy định của Bộ Tài chính, triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo giao dịch công khai, minh bạch.
Đầu tuần này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN chậm nhất ngày 17/5 phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế. Ông cũng yêu cầu siết sử dụng hóa đơn điện tử từng lần giao dịch, tình trạng buôn lậu vàng.
Phiên đấu thầu vàng kỷ lục: 12.300 lượng bán ra, giá sát 89 triệu/lượng
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo: Cần thận trọng khi mua bán vàng
Vàng thế giới đang rẻ, Việt Nam làm sao liên thông với giá vàng quốc tế?
- Ngân hàng Nhà nước cảnh báo: Cần thận trọng khi mua bán vàng 15/05/2024 04:40
- Vàng thế giới đang rẻ, Việt Nam làm sao liên thông với giá vàng quốc tế? 15/05/2024 08:00
- Giá vàng nhảy múa: 'Không lẽ cứ để như vậy?' 13/05/2024 05:58
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.