Top 10 sự kiện chấn động thế giới trong năm 2024

Quỳnh Anh - 24/12/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2024 đang khép lại với hàng loạt sự kiện nổi bật, từ chính trường quốc tế đến những bước tiến vượt bậc trong khoa học và công nghệ. Thế giới chứng kiến các cuộc bầu cử định hình tương lai, những thách thức khí hậu ngày càng nghiêm trọng, và những phát minh đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

1. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Năm 2024 đã diễn ra rất nhiều cuộc bầu cử quan trọng trên toàn cầu, nhưng đáng chú ý hơn cả vẫn là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 5/11 với chiến thắng áp đảo của ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 là một hành trình đầy biến động với hàng loạt sự kiện kịch tính, từ những thay đổi bất ngờ trên chính trường đến các cuộc tranh luận sôi nổi. Đây là cuộc đối đầu căng thẳng giữa cựu Tổng thống Donald Trump, đại diện Đảng Cộng hòa, và Phó Tổng thống Kamala Harris, đại diện Đảng Dân chủ, trong bối cảnh xã hội Mỹ đang chia rẽ sâu sắc.

Bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Một trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc bầu cử năm nay là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tuyên bố không tham gia tái tranh cử vào tháng 7/2024. Quyết định này mở đường cho Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên sáng giá của Đảng Dân chủ, đồng thời đánh dấu lần hiếm hoi một tổng thống đương nhiệm không tham gia tranh cử nhiệm kỳ hai.

Một sự kiện gây chấn động khác là vụ ám sát hụt nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 7, trong một sự kiện vận động tranh cử tại Georgia. Dù không nguy hiểm tới tính mạng, sự việc đã khiến chiến dịch của ông Trump tạm thời gián đoạn. Mặc dù vậy, sự kiện này cũng mang lại cho ông Trump làn sóng ủng hộ tích cực trước thềm bầu cử.

Ông Trump sau vụ ám sát hụt.

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã có những chiến dịch tranh cử quyết liệt, tập trung vào các vấn đề trọng yếu như kinh tế, nhập cư, biến đổi khí hậu, và vị thế quốc tế của Mỹ.

Ông Trump sử dụng thông điệp "Nước Mỹ trên hết" để thu hút sự ủng hộ từ tầng lớp lao động, trong khi bà Harris tập trung vào các chính sách xã hội tiến bộ và bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế. Các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên, đặc biệt là về chính sách đối ngoại và kinh tế, thu hút sự chú ý của hàng triệu cử tri.

Ngày bầu cử 5/11/2024 chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục. Kết quả cuối cùng, ông Donald Trump giành chiến thắng với số phiếu vượt trội hơn bà Harris ngay từ đầu và tại một số bang chiến lược. Ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ duy nhất đảm nhận hai nhiệm kỳ không liên tiếp kể từ năm 1892".

2. Căng thẳng chiến sự Nga - Ukraine

Năm 2024, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều sự kiện quan trọng và thay đổi chiến lược từ cả hai phía.

Hai năm kể từ khi chiến sự nổ ra, Ukraine đã chiếm lại 54% lãnh thổ bị chiếm đóng, trong khi Nga vẫn chiếm đóng 18% đất nước.

Các nỗ lực phản công của Ukraine đã bị đình trệ và Nga đã mở một mặt trận mới ở khu vực Kharkiv, đông bắc Ukraine. Trong khi đó, Nga tiếp tục ném bom các thành phố của Ukraine và phong tỏa các cảng của nước này, và Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tàu và cơ sở hạ tầng của Nga

Tháng 8/2024, Lực lượng Ukraine tiến hành tấn công vào vùng Kursk của Nga, đặc biệt là thị trấn Rylsk, nhằm gây áp lực lên hậu phương Nga.

Tháng 12/2024, Nga tăng cường sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo để tấn công các mục tiêu chiến lược tại Ukraine, đồng thời phản công mạnh mẽ tại khu vực Kursk. Ngày 19/12, một cuộc tấn công lớn đã gây cháy lớn ở Kiev, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Mặc dù giao tranh vẫn tiếp diễn, cả Nga và Ukraine đều bày tỏ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, các điều kiện và thời điểm cụ thể vẫn chưa được thống nhất, khiến triển vọng hòa bình còn mờ mịt.

Kể từ tháng 1/2022, Ukraine đã nhận được khoảng 278 tỷ USD viện trợ, bao gồm 75 tỷ USD từ Mỹ, mặc dù nước này cảnh báo về tình trạng cạn kiệt các nhà tài trợ.

3. Bất ổn ở Trung Đông

Năm 2024 là một năm không mấy yên ả với Trung Đông và Bắc Phi. Cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn, với việc Israel tiêu diệt phần lớn lãnh đạo Hamas nhưng với chi phí kinh tế, quân sự và con người đáng kể.

Cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Tehran vào Israel vào đầu tháng 10, hành động trả đũa của nước này đối với cơ sở hạ tầng quân sự của Iran và cuộc tấn công Nam Lebanon của Israel cùng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Hezbollah đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Đông đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.

Sự thay đổi về chính trị cũng đang diễn ra, giữa tình hình bất ổn gia tăng ở Libya và các cuộc bầu cử diễn ra ở khắp Algeria, Syria, Iran, Jordan, Kuwait và Syria, và năm kết thúc bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng dẫn đến sự lật đổ chế độ Assad.

Khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas tiếp tục vào năm 2024, Israel đã bắt đầu năm với một chiến thắng quyết định: Vụ ám sát Phó lãnh đạo Hamas Saleh Al-Arouri, vào ngày 2/1. Vụ tấn công này càng làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và Hezbollah (nhóm đại diện của Iran hoạt động tại Lebanon) trong bối cảnh bạo lực leo thang giữa hai bên kể từ ngày 7/10/2023.

Tháng 4, để đáp trả vụ ám sát chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Mohammad Reza Zahedi tại đại sứ quán Iran ở Syria, Iran đã tấn công Israel bằng một loạt tên lửa và máy bay không người lái ồ ạt và chưa từng có, thể hiện sự leo thang nguy hiểm nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ và là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel.

Vào tháng 5, một chiếc trực thăng của Không quân Iran đã bị rơi ở Azerbaijan, khiến 8 người thiệt mạng, bao gồm Ebrahim Raisi, tổng thống Iran và bộ trưởng ngoại giao của ông.

Vào ngày 1/10, cuộc chiến ở Trung Đông mở rộng. Quân đội Israel tiến vào Lebanon để tìm kiếm và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Israel ám sát tổng thư ký Hezbollah, Hassan Nasrallah, vào ngày 27/9, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Đông đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện.

Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas được cho là người lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 7/10, đã bị Lữ đoàn Bislamach 828 của Lực lượng Phòng vệ Israel tiêu diệt tại Rafah vào ngày 16/10. Cái chết của ông là một yếu tố quan trọng đối với Israel, nơi mà tổng thống Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ sự lãnh đạo của Hamas.

Một lệnh ngừng bắn mong manh có hiệu lực vào ngày 27/11, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài mười ba tháng giữa Hezbollah và Israel.

Đến ngày 8/12, các nhóm phiến quân Syria đã giành quyền kiểm soát thủ đô sau cuộc tấn công chớp nhoáng kéo dài 10 ngày trên khắp cả nước.

Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023, lãnh thổ và lợi ích của Israel đã bị nhắm mục tiêu từ nhiều mặt trận. Trong đó bao gồm ít nhất 2.597 vụ tấn công bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái của Hamas có trụ sở tại Gaza và các đồng minh, Hezbollah của Lebanon và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Trong những vụ việc này, các quả đạn đã hoặc là trúng đích hoặc rơi xuống các cánh đồng trống ở Israel, Cao nguyên Golan bị chiếm đóng và các vùng lãnh thổ tranh chấp Shebaa Farms và Kafr Shuba Hills. Ngoài ra, hàng nghìn quả đạn đã bị hệ thống phòng không của Israel đánh chặn trong hơn 800 vụ đánh chặn.

Đổi lại, lực lượng an ninh Israel đã tiến hành 22.320 cuộc tấn công trên khắp Gaza và Lebanon, cũng như ở Syria.

4. Màn thiết quân luật chớp nhoáng tại Hàn Quốc

Vào ngày 3/12, lúc 22h23' (giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Mặc dù cảnh sát và lực lượng quân đội cản trở việc tiếp cận Quốc hội, các nhà lập pháp đã triệu tập và thông qua nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật vào lúc 1h sáng 4/12. Tới khoảng 5h, Tổng thống Yoon đã chính thức dỡ bỏ thiết quân luật theo các thủ tục pháp lý.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc ngày 4/12 đã kêu gọi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức ngay lập tức, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi việc luận tội nếu ông không tự nguyện từ chức.

Ngay sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, đồng won Hàn Quốc đã trượt xuống mức thấp nhất là 1.430 won/USD trong phiên giao dịch đêm 3/12. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/10/2022, khi đồng won giảm xuống còn 1.432,4 won/USD trong phiên giao dịch nội bộ.

Trong khi các nhà lập pháp tranh luận về việc luận tội, các cuộc điều tra sâu hơn về sắc lệnh của ông Yoon đã đi kèm với việc bắt giữ các quan chức cấp cao.

Ngày 9/12, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, một động thái hiếm hoi đối với một Tổng thống đương nhiệm.

Ngày 10/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật, yêu cầu bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt thường trực để điều tra các cáo buộc nổi loạn đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol và một số người khác vì đã áp đặt thiết quân luật vào tuần trước.

Quốc hội cũng đã thông qua một nghị quyết yêu cầu bắt giữ nhanh chóng ông Yoon Suk Yeol và 7 quan chức với số phiếu 191-94 và 3 phiếu trắng.

5. Chính phủ Pháp sụp đổ

Chính phủ Pháp sụp đổ vào ngày 4/12 sau khi Thủ tướng Michel Barnier bị buộc phải từ chức trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Nghị viện, làm bùng phát lại cuộc khủng hoảng chính trị mùa hè tại đất nước này khi chuẩn bị bước sang năm mới.

Ông Barnier được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm vào tháng 9 sau cuộc bầu cử quốc hội không có hồi kết vào tháng 7. Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với kết quả 331/577 phiếu chống ông Barnier trở thành Thủ tướng Pháp đầu tiên bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Cựu Thủ tướng Pháp Michel Barnier.

Sự kết thúc của chính phủ ông Barnier – chính phủ đầu tiên sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Pháp trong hơn 60 năm – đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị và biến ông Barnier, một chính trị gia kỳ cựu từng là nhà đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp.

Chính phủ thiểu số của ông Barnier đã sụp đổ chỉ sau 3 tháng khi cố gắng thông qua ngân sách năm 2025, bao gồm khoản tăng thuế trị giá 60 tỷ EUR (62,9 tỷ USD). Nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự mà không cần bỏ phiếu đã tạo cơ hội cho các nhà lập pháp lật đổ ông, và các lực lượng cánh tả và cánh hữu đã đoàn kết để hạ bệ vị Thủ tướng này.

Ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm đồng minh trung dung Francois Bayrou làm tân Thủ tướng. Người đàn ông 73 tuổi này là người sáng lập đảng chính trị Phong trào Dân chủ trung dung (MoDem) và là thị trưởng của thị trấn Pau ở phía tây nam.

Nhiệm vụ trước mắt của ông Bayrou phải thành lập chính phủ và tìm cách thông qua ngân sách tại một quốc hội chia rẽ sâu sắc, nơi Macron phải đối mặt với sự phản đối công khai từ cả phe cánh tả và cực hữu.

“Mọi người đều biết về sự khó khăn của nhiệm vụ này. Tôi nghĩ rằng có một con đường có thể tìm ra để đưa mọi người lại gần nhau thay vì chia rẽ họ”, ông Bayrou nói với các phóng viên tại Paris vào thứ sáu.

Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou.

6. Fed cắt giảm lãi suất sau 4 năm

Sau 4 năm liên tục duy trì lãi suất cao, ngày 18/9, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện cắt giảm lãi suất 0,5%, hạ lãi suất quỹ liên bang xuống mức từ 4,75%-5%.

Trong tuyên bố tại cuộc họp báo sau phiên họp của Fed, Chủ tịch Jerome Powell cho biết động thái cắt giảm này là một “sự điều chỉnh” đối với ngân hàng trung ương và không cam kết thực hiện các động thái tương tự tại mỗi cuộc họp sắp tới.

“Việc hiệu chỉnh lại lập trường chính sách của chúng tôi sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, và sẽ tiếp tục cho phép tiến triển hơn nữa về lạm phát khi chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển sang lập trường trung lập hơn. Chúng tôi không theo bất kỳ lộ trình nào được định sẵn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra quyết định của mình qua từng cuộc họp”, ông Powell cho biết.

Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát lịch sử của ngân hàng trung ương Mỹ, giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm trong hơn một năm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Sau khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ, ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục thực hiện thêm 2 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25%. Tính tới sau cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024 vào ngày 18/12, lãi suất đã được hạ xuống mức mục tiêu là 4,25%-4,5%, trở lại mức lãi suất vào tháng 12/2022.

Khi đưa ra mức cắt giảm 25 điểm cơ bản, Fed đã chỉ ra rằng có lẽ họ sẽ chỉ hạ lãi suất thêm hai lần nữa vào năm 2025, theo ma trận “dot plot” được theo dõi chặt chẽ về kỳ vọng lãi suất trong tương lai.

7. Hàng loạt vụ đình công lớn xảy ra

Một trong những dấu ấn đáng chú ý trong năm 2024 là hàng loạt vụ đình công từ công đoàn lớn trên khắp thế giới.

Đầu năm 2024, Pháp chứng kiến các cuộc đình công quy mô lớn do công đoàn CGT tổ chức, phản đối các chính sách của chính phủ. Công đoàn này cảnh báo có thể cắt điện đối với các gia đình của các nghị sĩ và tỷ phú, trong khi chính phủ huy động 10.000 cảnh sát để đối phó với tình hình.

Tại Canada, công đoàn tiến hành đình công quy mô lớn, ảnh hưởng đến một số dịch vụ công liên bang như dịch vụ thuế, dịch vụ làm hộ chiếu, gia hạn hộ chiếu trước kỳ nghỉ hè.

Vào tháng 7/2024, khoảng 7.400 công nhân tại các cảng thuộc tỉnh British Columbia, Canada, đã tiến hành đình công kéo dài 13 ngày, dẫn đến việc đóng cửa cảng lớn nhất của đất nước và gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng tỷ USD.

Hàng loạt các công ty lớn, từ Boeing, Amazon, Starbuck, General Motors (GM), Ford,... cũng phải đối mặt với những cuộc đình công quy mô lớn từ công đoàn, khi người lao động muốn tăng lương, giảm giờ làm.

Cuộc đình công của các thợ máy tại Boeing là một trong những cuộc đình công kéo dài nhất năm 2024.

8. Sập cầu Francis Scott Key

Ngày 26/3, một tàu container khổng lồ rời cảng trên đường tới Sri Lanka đã đâm vào cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Maryland (Mỹ). Vụ va chạm đã khiến cây cầu bị sập, một số phương tiện rơi khỏi cầu và khiến 6 người mất tích, đi kèm là những nguy cơ tiềm ẩn về việc gián đoạn dịch vụ hậu cần tại khu vực này.

Cây cầu bốn làn xe dài 2,6km bắc qua Sông Patapsco và đóng vai trò là điểm giao nhau ngoài cùng của bến cảng Baltimore và là điểm nối thiết yếu của I-695, hay Đường vành đai Baltimore.

Patrick Penfield, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Syracuse, nói với Quartz: “Thảm kịch cầu Francis Scott Key sẽ tác động đến nhiều chuỗi cung ứng ở Bờ Đông Mỹ. Hơn 11 triệu phương tiện sử dụng cây cầu đó hàng năm và đó là con đường quan trọng đối với mạng lưới giao thông của Baltimore”.

Cảng Baltimore - một mắt xích trị giá khoảng 80 tỷ USD trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến ​​​​sẽ đóng cửa vô thời hạn trong khi các quan chức liên bang và tiểu bang Mỹ ở Maryland giải quyết hậu quả của vụ sập cầu Francis Scott Key.

Theo Cục Quản lý Cảng Maryland, Baltimore là cảng lớn thứ 11 ở Mỹ về mặt xử lý container nhưng là cảng bận rộn nhất của Mỹ về xuất khẩu ô tô, đã xử lý hơn 750.000 phương tiện vào năm 2023. Đây cũng là cảng xuất khẩu than bận rộn thứ hai vào năm ngoái. Do đó, Cảng Baltimore được đánh giá là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô và năng lượng.

Theo David MacKenzie, chủ tịch công ty tư vấn kỹ thuật và kiến ​​trúc COWIfonden, nhu cầu xây dựng lại nhanh chóng sẽ khiến chi phí tăng ít nhất gấp 10 lần so với mức giá ban đầu của những năm 1970 là khoảng 60 triệu USD.

9. Bitcoin đạt 100.000 USD

Ngày 5/12, giá giao dịch của Bitcoin (BTC) đã đạt mức cao nhất là 100.277 USD, lần đầu tiên vượt 100.000 USD.

Động thái này diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố kế hoạch đề cử ông Paul Atkins làm chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) thay cho ông Gary Gensler - người được mệnh danh là "kẻ phản diện" của cộng đồng tiền điện tử.

Đây là ngày lễ kỷ niệm đối với những nhà đầu tư Bitcoin lâu năm, những người đã nắm giữ BTC qua một số chu kỳ bùng nổ và suy thoái của tiền điện tử, trong khi một số chính phủ và các tổ chức tài chính vẫn coi thường — và thậm chí là thù địch — đối với loại tài sản này.

"Chúng ta đang chứng kiến ​​một sự thay đổi lớn. Sau bốn năm chịu sự kiểm duyệt chính trị, BTC và toàn bộ hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số đang trên bờ vực gia nhập thị trường tài chính chính thống", ông Mike Novogratz, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tiền điện tử Galaxy Digital của Mỹ cho biết.

Đến ngày 16/12, BTC thậm chí vượt mốc 106.000 USD. Giá Bitcoin đã tăng hơn 50% kể từ cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11, khi ông Trump đắc cử cùng với nhiều ứng cử viên ủng hộ tiền điện tử khác.

10. Công ty của năm gọi tên Nvidia

Với sự phát triển vượt trội trong năm 2024, Nvidia là một trong những doanh nghiệp nhận được nhiều sự chú ý nhất trên toàn cầu.

Từ một công ty công nghệ khá khiêm tốn được biết đến với các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) cho trò chơi máy tính, Nvidia đã biến đổi thành một trong những công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới. Các con chip của công ty này cung cấp năng lượng cho phần lớn các phép tính AI trong các trung tâm dữ liệu tại các công ty như Google và Microsoft, và tất nhiên là OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT.

Tính từ đầu năm tới ngày 22/12, cổ phiếu Nvidia đã tăng gần 180%, là công ty đại chúng có mức tăng trưởng tốt nhất toàn cầu.

Về vốn hoá, chỉ trong vòng 1 năm, Nvidia cũng nhanh chóng lọt top các công ty trị giá trên 1.000 tỷ USD, thậm chí có thời điểm vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Công ty đã tăng gần gấp đôi giá trị trong 12 tháng qua và những người đam mê Nvidia kỳ vọng công ty sẽ trở thành công ty đầu tiên đạt 5.000 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Sự thay đổi đáng chú ý nhất cho đến nay là việc Nvidia thay thế Intel trong chỉ số Dow Jones, phản ánh sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của nhà sản xuất GPU nhờ nhu cầu về bộ tăng tốc AI và là sự kết thúc lịch sử của một kỷ nguyên đối với Intel, một biểu tượng công nghệ của Mỹ.

Mặc dù các bộ tăng tốc AI thế hệ tiếp theo của Nvidia, được gọi là Blackwell, có một số sự chậm trễ, đồng thời công ty cũng có nguy cơ bị cuốn vào căng thẳng Mỹ-Trung, nhưng hầu như niềm tin với Nvidia vẫn rất chắc chắn.

Biến động tài sản 2024: Tỷ phú công nghệ 'thăng hoa' nhờ AI

Biến động tài sản 2024: Tỷ phú công nghệ 'thăng hoa' nhờ AI

Tài chính quốc tế
(VNF) - Nếu như 2024 được đánh giá là năm của các tỷ phú công nghệ Mỹ nhờ sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo, thì với các tỷ phú thuộc nhóm ngành khác lại có vẻ là một năm không mấy thuận lợi.
Cùng chuyên mục
Tin khác