Tài chính

TP. HCM: Bán hàng qua mạng doanh thu 500 tỷ, nộp thuế 8 tỷ

(VNF) - Mới đây, một cá nhân ở TP. HCM kinh doanh trên mạng có doanh thu 500 tỷ đồng nhưng không kê khai thuế. Sau đó cá nhân này đã phát hiện kịp thời và nộp số tiền thuế khoảng 8 tỷ đồng.

TP. HCM: Bán hàng qua mạng doanh thu 500 tỷ, nộp thuế 8 tỷ

Một cá nhân bán hàng qua mạng doanh thu 500 tỷ, nộp thuế 8 tỷ. (Ảnh minh họa)

"Rất may mắn là cá nhân này đã phát hiện kịp thời và nhờ một đơn vị hướng dẫn nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và lúc đó cơ quan thuế xử lý kê khai thiếu tiền thuế, chậm nộp, chỉ phạt thêm 20% chứ chưa đến mức xử lý là phạt 1 đến 3 lần số tiền thuế phải nộp".

Phải đảm bảo bình đẳng về thuế

Trên đây là câu chuyện được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế được tổ chức mới đây. 

Từ câu chuyện trên, bà Cúc cũng nhấn mạnh các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả Việt Nam, các cá nhân bán hàng qua mạng hiện nay đều phải có nghĩa vụ thực hiện kê khai thuế với cơ quan thuế.

"Chúng ta phải đảm bảo bình đẳng về thuế. Kinh doanh qua mạng có nhiều tiền hơn bởi không phải thuê cửa hàng, không mất nhiều chi phí. Trong khi các đơn vị kinh doanh truyền thống họ phải nộp thuế mà mình kinh doanh lãi hơn lại không nộp thuế. Do đó, việc kiểm tra để đảm bảo truy thu thuế với các trang mạng điện tử là hoàn toàn phù hợp", Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế nói.

Ngành thuế muốn có thêm chức năng điều tra

Cũng tại Hội thảo, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho rằng chức năng điều tra là cần thiết với ngành thuế. Dự thảo luật Quản lý thuế sửa đổi ghi rõ, về bản chất điều tra thuế là việc cơ quan thuế thực hiện quyền tố tụng về thuế trong trường hợp người nộp thuế cố tình trốn tránh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (trốn thuế, gian lận thuế) với mục đích trục lợi.

Theo đó, thẩm quyền của cơ quan thuế là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, chứng từ để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Khi có dấu hiệu tội phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý thuế căn cứ vào kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. 

Theo vị này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã giao chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Một số nước tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế như Mỹ, Nga...

"Việc bổ sung chức năng điều tra sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế", ông Huy giải thích.

Tuy nhiên, bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, lại nêu băn khoăn việc thêm chức năng cho ngành thuế, trong đó đặc biệt là quyền khởi tố.

Theo bà Trang, tại Mỹ, cơ quan thuế cũng có chức năng điều tra nhưng không có quyền khởi tố. "Chúng tôi nghĩ nếu như ngành thuế có chức năng điều tra, khởi tố thì quyền hạn rất lớn. Điều này sẽ tạo sức ép lên người nộp thuế và lên cả môi trường thực thi chính sách thuế. Hơn nữa là vẫn cùng bộ máy thì có đảm bảo độc lập và minh bạch hay không?", bà Trang chia sẻ.

Bà Đặng Thị Bình An, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn thuế C&A cũng bày tỏ băn khoăn về quyền khởi tố trong điều tra thuế. Tuy vậy, theo bà An, nếu cơ quan thuế không được quyền khởi tố mà phải chuyển sang cơ quan khác, liệu có tình trạng "xét nghiệm lại từ đầu" giống như việc các bệnh viện hiện nay, khi mà cơ quan khởi tố không tin vào kết quả điều tra của ngành thuế?

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng để tránh tình trạng này, các cơ quan nên sử dụng các kết quả thanh, kiểm tra, điều tra của nhau. "Ví dụ, thuế đã kiểm tra, điều tra rồi thì Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính không cần thanh kiểm tra, điều tra lại. Nếu phát hiện sai thì ngành thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu mình. Điều này sẽ tránh tình trạng chồng chéo, ai cũng muốn có quyền, ai cũng muốn xuống doanh nghiệp", bà Cúc nói. 

Tin mới lên