Mai Phương - Nguyên Nga -
07/12/2019 10:21 (GMT+7)
Hôm qua (6/12), cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam chính thức hoạt động tại trung tâm Quận 1, TP. HCM. Thương hiệu đình đám này nối dài thêm danh sách các tên tuổi thời trang lớn trên thế giới có mặt tại vùng đất này.
Từ chợ, shop cho tới trung tâm thương mại
"Sài Gòn như kiểu đất lành chim đậu cho tất cả hãng thời trang trong và ngoài nước để chinh phục người dùng là điều dễ hiểu."
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú
Chỉ ngay trong giờ khai trương cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi, hơn 2.000 khách hàng đầu tiên có mặt trải nghiệm mua sắm.
Cảnh tượng xếp hàng rồng rắn chờ cửa hàng Uniqlo mở cửa thực ra không còn xa lạ với người dân thành phố. Hơn 3 năm về trước, cửa hàng của Zara đặt tại Trung tâm thương mại Vincom (Quận 1, TP. HCM) cũng thu hút hàng ngàn khách hàng trong ngày đầu tiên mở cửa với doanh số kỷ lục 5,5 tỷ đồng.
Dòng người xếp hàng cũng tiếp tục diễn ra sau đó khi thời trang H&M khai trương cửa hàng đầu tiên tại Vincom. Uniqlo, Zara và H&M là 3 thương hiệu thời trang phổ thông nổi tiếng trên thế giới đều đã chọn TP. HCM làm cứ điểm đầu tiên khi quyết định bước chân vào thị trường Việt Nam.
Những tên tuổi thời trang lớn trước đó như Calvin Klein, Mothercare, OldNavy, Mango... đều chọn TP. HCM là cứ điểm mở cửa hàng đầu tiên. Sau khi đã thành công ở TP. HCM, nhiều thương hiệu thời trang ngoại mới tiến ra thủ đô Hà Nội và các thành phố khác.
Không chỉ thời trang thế giới, các nhãn hàng trong nước từ lớn đến bé và “be bé” đã thành công và mở rộng khuếch trương từ “cái nôi” TP. HCM cũng ngày càng nhiều.
Được biết đến sau nhưng thương hiệu thời trang Canifa với gu hiện đại, đã từng ví cạnh tranh tốt với Uniqlo, đã kịp phủ hơn 110 cửa hàng trên cả nước, trong đó TP. HCM chiếm hơn một nửa.
Ngoài việc có mặt tại tất cả trung tâm thương mại trên địa bàn TP. HCM, cửa hàng thời trang Canifa phủ khá đều tại nhiều tuyến đường chuyên kinh doanh thời trang như Cách Mạng Tháng 8, Võ Văn Tần, Hai Bà Trưng... Ngay trên đường Cách Mạng Tháng 8 kéo dài từ Quận 1 sang Quận 3 và Quận Tân Bình, các thương hiệu thời trang Việt như NEM, Ivy Moda và hàng chục cửa hàng lớn nhỏ đều góp mặt.
Năm 2018, nếu doanh thu của Canifa hơn 1.000 tỷ đồng thì các thương hiệu còn lại cũng bỏ túi 400 - 500 tỷ đồng.
Khó có thể đếm hết số lượng các shop thời trang dạng “be bé” hoặc chuỗi 3 - 5 cửa hàng tại TP. HCM. Điều này được lý giải người TP. HCM dễ thích nghi, tiêu dùng cao và phong cách mua sắm khá đa dạng. Thời trang từ chợ, các cửa hàng cho tới trung tâm thương mại... lúc nào cũng đông nghẹt.
Chị Thanh Hương (ở đường Lê Văn Sỹ, Quận 3) kể chỉ cần đi bộ một buổi tối các cửa hàng dọc tuyến đường Trần Quang Diệu, Lê Văn Sỹ gần nhà như Marc, Guma, Toto, Clothe, Angle Lam... chị có thể “lượm” được đôi ba bộ cánh đẹp, vừa ý, giá cả dễ chịu. “Mấy thương hiệu này đường kim mũi chỉ ổn, hàng lại không “đại trà” nên mặc được. Zara hay H&M rẻ với nước ngoài chứ về Việt Nam vẫn còn đắt lắm”, chị Hương nói.
Tương tự, trên đường Lý Tự Trọng (Quận 1, TP. HCM), bà Thái Thanh Hiền, cán bộ về hưu, đang thử đến 6 chiếc áo đầm tại cửa hàng Miu Rex Tokyo, cho biết 3 năm nay bà “kết” thương hiệu này. “Khi nào có chương trình giảm giá, cửa hàng nhắn tin báo, thay vì ngày thường mua 2 chiếc, gặp khi giảm giá mua được 4 chiếc. Tôi dùng hàng này từ khi đi làm, đến khi về hưu hơn năm nay vẫn trung thành với thương hiệu này”, bà chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi xuyên suốt từ Quận 1 sang Quận 5 vào những buổi tối, đặc biệt cuối tuần luôn nhộn nhịp khách mua sắm. Những cửa hàng như Yame, Toto, Lime Orange, MWC, Sóng Nhạc, SuSu, Kboy... đều được giới trẻ ưa chuộng.
Thị trường tiêu dùng lớn
Khảo sát Expat Insider 2019 có sự tham gia của hơn 20.000 người đưa ra xếp hạng về thành phố nước ngoài mà họ đang sinh sống mới đăng trên trang web của mạng lưới người nước ngoài toàn cầu InterNations (văn phòng chính tại Đức).
Theo đó, TP. HCM xếp thứ 3 về những thành phố đáng sống cho người nước ngoài, sau Đài Bắc và Kuala Lumpur. Cụ thể, TP. HCM xếp thứ 3 trong số 82 thành phố được khảo sát, tăng 1 bậc so với năm ngoái (với 72 thành phố được khảo sát).
TP. HCM xếp đầu bảng về các tiêu chí tài chính và nhà cửa khi có 81% người được hỏi tỏ ra hài lòng với chi phí sống nói chung. Về mức độ thân thiện, TP. HCM cũng được đánh giá cao, một công dân Thụy Sĩ sinh sống ở đây nói rằng “người dân TP. HCM thật đáng kinh ngạc” khi nói về sự thân thiện...
Việc các thương hiệu thời trang nói riêng cũng như nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại tham gia vào thị trường TP. HCM khiến cho mặt bằng bán lẻ ngày càng trở nên đắt đỏ.
Đại diện của Uniqlo cũng chia sẻ rằng giá bất động sản tại Việt Nam quá cao nên họ phải mất nhiều thời gian tìm kiếm địa điểm phù hợp cho cửa hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến các chuỗi thời trang Việt khó mở rộng khi tiềm lực tài chính không đủ mạnh. Nhưng bù lại, thị trường TP. HCM luôn có sức hấp dẫn vì tiềm năng tiêu dùng rất lớn đáng để mọi thương hiệu chinh phục.
Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cách đây hơn 1 năm cho thấy người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ, một vị trí gây không ít ngạc nhiên bởi Việt Nam hiện đang là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, tuổi trung bình trẻ, quốc gia đang phát triển nên Việt Nam luôn là thị trường đầy hấp lực cho các nhà kinh doanh thời trang. Còn công ty nghiên cứu của Đức có tên Statistics Portal đưa ra mức dự báo, tăng trưởng hằng năm của thời trang Việt giai đoạn 2017 - 2022 hơn 22%. Đến năm 2022, thị trường này có thể đạt doanh thu 988 triệu USD.
TS Vũ Quốc Chinh, chuyên gia marketing, Trường đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng TP. HCM có quy mô thị trường lớn, chiếc bánh thị phần cao, hấp dẫn với 10 triệu dân và có mức thu nhập bình quân cao nhất nước.
“Sản phẩm thời trang có tuổi đời thấp, nhanh thay đổi. Tại một thị trường có sức mua lớn nhất nước như TP. HCM, chắc chắn các nhãn hàng thời trang, đồ hiệu luôn luôn nhắm vào đầu tiên. Tuy nhiên, thu nhập cao nhưng có chịu thay đổi hay không, có chịu chi hay không là điều khác. Rất may mắn, dân Sài Gòn rất chịu chi. Yếu tố này thuộc về tính cách, tâm lý người tiêu dùng.
Mọi nghiên cứu thị trường đều chỉ ra, người tiêu dùng phía nam nhạy cảm với cái mới, thích thử thách, thích tiếp cận, trải nghiệm cái mới, thích luân chuyển đồng tiền liên tục, không cho đồng tiền mình làm ra đứng yên. Tính cách thích trải nghiệm cái mới thể hiện tính phóng khoáng của họ. Từ đó, hình thành văn hóa tiêu dùng nhanh thay đổi, thích nghi cái mới tốt... Đó là một vài yếu tố nhà kinh doanh nhìn thấy để mở cửa hàng ngay tại TP. HCM ”, TS Vũ Quốc Chinh nói.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, người Hà Nội cũng xài hàng hiệu, hàng sang nhưng đa số người tiêu dùng phía bắc vẫn có tính bảo thủ riêng của họ. Thế nên để bắt đầu tiếp cận một sản phẩm mới tại Hà Nội, nhà kinh doanh mất rất nhiều thời gian hơn ở TP. HCM. Và họ sẽ chọn bắt đầu từ TP. HCM sẽ an toàn hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo “miếng bánh ngon thường có nhiều ruồi”, khả năng đào thải tại thị trường có sức cạnh tranh lớn cũng rất cao. Ông nói, đa số các thương hiệu nói chung khi vào thành công một thị trường, nếu không thay đổi liên tục, sẽ khó trụ lại.
Là người Hà Nội, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cũng nhận định, sức mua tại TP. HCM mạnh hơn ở Hà Nội, nhất là với hàng thời trang. Có thể với giới trẻ sau này với tính cách chi tiêu mạnh tay thì Hà Nội cũng đang tiến gần với TP. HCM, nhưng với những người lớn tuổi thì còn khác xa.
“Tôi cho rằng do tính cách người Sài Gòn nói riêng và phía nam nói chung chịu chi tiêu hơn người Hà Nội hay phía bắc. Bên cạnh đó TP. HCM cũng là trung tâm hội tụ giới văn nghệ sĩ, thanh niên trẻ... nên đó là những đối tượng khách hàng cho các hãng thời trang. Vì vậy Sài Gòn như kiểu đất lành chim đậu cho tất cả hãng thời trang trong và ngoài nước để chinh phục người dùng là điều dễ hiểu”, ông Vũ Vinh Phú nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone