TP. HCM sẽ cưỡng chế Uber để truy thu gần 70 tỷ đồng tiền thuế

Uyên Phương - 14/12/2017 21:07 (GMT+7)

"Uber vẫn chưa nộp khoản thuế gần 70 tỷ đồng vào ngân sách. Nếu quá thời hạn 10 ngày, chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định", lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM khẳng định.

VNF
Cục thuế TP. HCM quyết truy thu thuế Uber. (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM cho biết, đến thời điểm này, Uber vẫn chưa nộp khoản thuế gần 70 tỷ đồng vào ngân sách. 

Trước tình hình này, Cục Thuế đã có thông báo yêu cầu công ty này phải nộp số thuế trên trong thời hạn 10 ngày. Nếu quá thời hạn, Cục sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định đồng thời thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Theo Cục Thuế TP. HCM, tháng 9/2017, Cục Thuế đã thanh tra Uber và phát hiện nhiều kê khai sai dẫn tới chưa nộp số tiền thuế lên đến gần 70 tỷ đồng. 

Cục Thuế TP. HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu thuế với Uber B.V. Uber sau đó khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, lấy lý do họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ theo Hiệp định chống đánh thuế 2 lần.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, Bộ Tài chính khẳng định Uber B.V không được miễn thuế theo Hiệp định chống đánh thuế 2 lần ký giữa Việt Nam và Hà Lan vì có cơ sở thường trú tại Việt Nam (là các lái xe). Đơn vị này cũng phải có trách nhiệm truy thu các khoản thuế của các lái xe mà đơn vị này chưa thực hiện khấu trừ thuế.

Được biết, từ khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam đến hết tháng 6/2017, Uber đã có doanh thu gần 3.000 tỷ đồng. Dù vậy, Uber chỉ mới đóng gần 77 tỷ đồng tiền thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. HCM cho biết: "Sở dĩ Uber khiếu nại bởi họ cho rằng, khi áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần thì không phải nộp thuế ở Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm của ngành thuế buộc Uber phải nộp khoản tiền thuế tại Việt Nam và nó hoàn toàn không trái với Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần".

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế - tài chính tại TP. HCM, thì việc cơ quan thuế áp dụng biện pháp truy thu thuế với Uber là hợp lý. Bởi, họ đang hoạt động với phương tiện và con người đang lao động trực tiếp tại Việt Nam. Như vậy, có thể hiểu, họ có cơ sở tại Việt Nam thì việc đóng thuế là đúng, chứ không phải bị áp thuế 2 lần.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác