TP. HCM: Tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới giảm dần qua các đợt xét nghiệm

Bảo Duy - 12/09/2021 22:10 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 12/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. HCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.

VNF
TP. HCM: Tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới giảm dần qua các đợt xét nghiệm

Theo Trung tâm báo chí TP. HCM, tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 11/9/2021, có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP. HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 39.296 bệnh nhân, trong đó có 2.914 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 11/9, có 2.925 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 150.341), 200 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 11.992).

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin, đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua cho thấy tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới qua các đợt xét nghiệm có giảm dần. Cụ thể, tính riêng kết quả xét nghiệm tại vùng đỏ, cam, trong đợt 1 tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới là 36%, đợt 2 là 27%, đợt 3 mới xét nghiệm được một nửa thì kết quả là 1,3%.

“Tỷ lệ phát hiện vùng xanh là 0,78%; vùng cận xanh là 1,27%, vùng vàng là 1,41%. Từ đó cho thấy việc phân vùng theo màu trước đây là khá chính xác, vùng nguy cơ thấp thì tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới rất ít và vùng nguy cơ cao thì phát hiện ra nhiều hơn”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhận định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các trường hợp tự xét nghiệm dương tính, tự điều trị khỏi bệnh tại nhà thì làm sao để được cấp giấy chứng nhận, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết những trường hợp này không có cơ sở để địa phương cấp giấy. Vì theo quy định, khi có kết quả test nhanh dương tính thì F0 phải báo cho y tế địa phương để ghi nhận và có các biện pháp hỗ trợ điều trị, khi khỏi bệnh mới có xác nhận.

Về câu hỏi những người đã tiêm 2 mũi vắc xin thì khi nhiễm Covid-19 có bị chuyển biến nặng dẫn đến tử vong hay không, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, các loại vắc xin đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định, không tuyệt đối được 100%, thường sẽ là 70-80%, nên còn lại 20-30% vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Riêng đối với biến chủng Delta thì hệ thống kháng thể của cơ thể không được bảo vệ hoàn toàn, dẫn đến việc nhiều người tiêm vắc xin đủ 2 mũi rồi vẫn mắc bệnh.

Thống kê trên thế giới cho thấy, với người đã tiêm đầy đủ 2 mũi thì 90% khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không chuyển biến nặng, không cần thở oxy và không phải điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, còn 10% vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng, Đặc biệt với người trên 65 tuổi thì tỷ lệ bảo vệ khoảng 80-85%, do đó nguy cơ chuyển biến nặng cao hơn so với bình thường.

Liên quan đến thông tin hiện vẫn còn F1 cách ly tập trung, Phó Giám đốc HCDC TP. HCM Nguyễn Hồng Tâm lý giải, các F1 đang cách ly tập trung hiện nay gồm các nhóm đối tượng là người tiếp xúc gần với F0, các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, các tổ bay gồm phi công và tiếp viên. Theo số liệu mới nhất, TP đang cách ly tập trung 2.475 trường hợp.

Theo ông Tâm, việc F1 hay F0 cách ly tại nhà hay cách ly tập trung tùy thuộc vào điều kiện của từng trường hợp và đều có quy định rất rõ.

Về việc cấp thẻ xanh cho người từ nước ngoài trở về, Sở Y tế đang nghiên cứu phương án chuyển đổi dữ liệu quản lý trên hệ thống. Hiện tại, người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin có quy định 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà, khi nhập cảnh các trường hợp đều được ngành y tế quản lý chặt chẽ.

"Đi chợ hộ" có xu hướng giảm

Liên quan đến việc mở cửa trở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định TP cho biết chủ trương của TP là mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó. Sắp tới, TP đưa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại Chợ đầu mối Bình Điền vào hoạt động, trong đó có quy định và kiểm soát chặt chẽ người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trước mắt, Sở sẽ làm việc với từng quận, huyện để nắm kế hoạch cụ thể và điều chỉnh kịp thời. Khi điều kiện phù hợp sẽ cho các chợ mở cửa trở lại.

Về công tác “đi chợ hộ”, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày 11/9 là 62.404 hộ, giảm 7,09% (tương đương giảm 4.760 hộ) so với ngày hôm trước. Có 17/22 địa bàn có nhu cầu giảm trong ngày, bao gồm thành phố Thủ Đức (giảm 386 hộ), quận 1 (giảm 28 hộ), quận 3 (giảm 23 hộ), quận 6 (giảm 187 hộ), quận 7 (giảm 84 hộ), quận 8 (giảm 1.122 hộ), quận 10 (giảm 10 hộ), quận 11 (giảm 145 hộ), quận 12 (giảm 273 hộ), quận Bình Thạnh (giảm 395 hộ), quận Bình Tân (giảm 114 hộ), quận Gò Vấp (giảm 759 hộ), quận Phú Nhuận (giảm 985 hộ), quận Tân Bình (giảm 214 hộ), huyện Bình Chánh (giảm 797 hộ), huyện Hóc Môn (giảm 331 hộ), huyện Nhà Bè (giảm 157 hộ).

Xu hướng giảm số hộ đăng ký từ ngày 6/9 trở lại đây phản ánh người dân đã được đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thông qua những phương thức hỗ trợ khác nhau như: chính sách hỗ trợ an sinh của Thành phố, các hoạt động từ thiện, đặt giao hàng qua shipper, bán hàng lưu động,…

Theo kết quả thực hiện, có 63.359 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 101,5% số hộ đăng ký. Tỷ lệ vượt 100% (nhưng có xu hướng giảm kể từ ngày 1/9 trở lại đây) chứng tỏ năng lực đáp ứng được tăng cường, nhưng đồng thời còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.