Trái ngược diễn biến lợi nhuận ở hai 'ông lớn' niêm yết ngành bán lẻ

Thanh Long - 22/09/2020 14:17 (GMT+7)

(VNF) - Cùng chịu ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng nhưng trong tháng 8/2020, MWG vẫn báo lãi tăng 14%, trong khi PNJ giảm 12%.

VNF
Trái ngược diễn biến lợi nhuận ở hai 'ông lớn' niêm yết ngành bán lẻ

Thông tin mới đây từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cho thấy, lũy kế 8 tháng năm 2020, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất là 72.970 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỷ đồng, giảm 1%.

Đáng chú ý, riêng trong tháng 8/2020, mức doanh thu mà MWG đạt được là hơn 8.660 tỷ đồng, tăng 9% so với tháng 8/2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 325 tỷ đồng, tăng 14%.

Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 khiến hơn 180 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh do phải đóng cửa (nằm trong các khu vực bị phong tỏa) hoặc bị giới hạn về số lượng khách được phép phục vụ trong cửa hàng.

Trái với diễn biến ở MWG, trong tháng 8/2020, một "ông lớn" ngành bán lẻ khác là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) ghi nhận doanh thu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.238 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 12%, đạt 52 tỷ đồng.

Đi sâu hơn, doanh thu kênh lẻ tháng 8 của PNJ giảm nhẹ 7%.

Theo giải trình từ phía PNJ, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 7 kéo sang đầu tháng 8 đã ảnh hưởng đến các cửa hàng tại các địa phương bị giãn cách và sức mua chung của thị trường chậm lại trong 2 tuần đầu tháng 8.

Trong khi đó, doanh thu sỉ giảm 40% trong tháng. Nguyên nhân được phía PNJ đưa ra là do các khách hàng sỉ chịu ảnh hưởng của dịch nên nhu cầu sụt giảm so với cùng kỳ, bên cạnh đó, sức mua chung của thị trường trang sức vẫn chưa thật sự phục hồi.

Lũy kế 8 tháng năm 2020, doanh thu thuần PNJ đạt 10.291 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 548 tỷ đồng, giảm 23%.

Sự khác biệt trong diễn biến lợi nhuận trong tháng 8 giữa MWG và PNJ đến từ nhiều nguyên nhân. Về phía chủ quan, có thể thấy sức xoay xở của MWG có phần tốt hơn PNJ. Lâu nay, MWG vẫn nổi tiếng là một doanh nghiệp rất năng động và giỏi xoay xở, thích nghi, thể hiện trong quá trình xây dựng sự thống trị của chuỗi Thế giới di động, Điện máy Xanh và thời kỳ "thử và sai" đối với Bách hóa Xanh, hoặc như trường hợp chuỗi "Điện thoại siêu rẻ", trang thương mại điện tử vuivui.com hay mới nhất là chuỗi Điện máy Xanh Supermini.

Trong khi đó, hồi tháng 4 năm ngoái, PNJ từng gặp phải sự cố chuyển đổi hệ thống ERP khiến doanh nghiệp này mất tới 50% công suất sản xuất và sang tháng 5 mới chỉ phục hồi được 80%. Lợi nhuận hai tháng này theo đó đã giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước đó, theo ước tính của một số công ty chứng khoán. "Sự cố ERP" đã gây ngỡ ngàng cho không chỉ các nhân viên của PNJ mà còn đối với cả giới đầu tư.

"Sự cố ERP" dù là điểm trừ lớn về khả năng xoay xở nhưng về cơ bản, ban lãnh đạo PNJ vẫn được giới đầu tư đánh giá là có năng lực, tâm huyết hàng đầu trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay dưới sự dẫn dắt của "nữ tướng" Cao Thị Ngọc Dung.

Về phía khách quan, MWG hoạt động trong một ngành mang tính thiết yếu hơn nhiều so với PNJ, vì thế mà sức ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù trực tiếp qua việc giãn cách xã hội hay gián tiếp qua việc thu nhập người dân bị ảnh hưởng, là ít hơn so với PNJ.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hiện đưa ra khuyến nghị "Mua" đối với cả hai doanh nghiệp này, tuy nhiên, mức sinh lời kỳ vọng là khác nhau. Với MWG, mức giá mục tiêu được VCSC đưa ra 158.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 62,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,5%.

Trong khi đó, với PNJ, mức giá mục tiêu là 81.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 37,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 3%.

Cùng chuyên mục
Tin khác