Trái phiếu Chính phủ 'đắt hàng' và câu chuyện phát triển bền vững
Văn Giáp -
03/12/2019 07:53 (GMT+7)
Lãi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm thấp là dấu hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn của đất nước tốt lên.
Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, bền vững cần phải dựa trên nền tảng là chất lượng sử dụng vốn vay trái phiếu được cải thiện tốt hơn, hiệu quả hơn về cả tốc độ giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn.
Đây là trao đổi của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) với phóng viên.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu, thậm chí rơi xuống đáy 10 năm?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, mức giảm từ 1,5 - 2% tùy vào các kỳ hạn.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam giảm cũng nằm trong xu hướng giảm lãi suất chung của trái phiếu chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước hiện nay lãi suất trái phiếu đã duy trì ở mức âm như Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sỹ…
Nguyên nhân chính khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm thấp là do nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, đây là yếu tố quan trọng củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Chính phủ gần như chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu kinh tế như: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức từ 6,6 - 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với mức 4% mà Chính phủ đề ra. Thị trường ngoại hối và tiền tệ liên ngân hàng cũng được duy trì ổn định.
Tỷ giá USD/VND gần như không biến động so với thời điểm đầu năm, trong bối cảnh các đồng tiền khác hầu như đều giảm giá so với USD.
Lãi suất liên ngân hàng cũng duy trì ở mức tương đối thấp (2 - 3%) và được điều tiết linh hoạt, hiệu quả, kịp thời bởi Ngân hàng Nhà nước thông qua các nghiệp vụ thị trường mở.
Hoạt động đầu tư công nói riêng và sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu nói chung được quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn nên không tạo ra áp lực cho Chính phủ trong việc phải phát hành quá nhiều trái phiếu Chính phủ.
Bên cạnh đó, xu hướng điều hành của phần lớn các nền kinh tế từ đầu năm đến nay là hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ nên hỗ trợ cho việc lãi suất trái phiếu Chính phủ của các nước và của Việt Nam giảm theo.
Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 3 lần hạ lãi và hiện nay xuống mức 1,5 - 1,75%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định cắt giảm tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỉ lục mới -0,5%, các nước láng giềng với Việt Nam như Thái Lan, Philippines…, cũng đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 9 cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất điều hành 0,25% với các mức lãi suất điều hành gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Quyết định số 2416/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/ 2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất phát hành tín phiếu từ mức 3% xuống còn 2,25%.
Như vậy, hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam đang trong quá trình thực hiện tái cấu trúc theo hướng tiệm cận với những tiêu chuẩn quản lý rủi ro của thế giới.
Theo đó, nhu cầu đầu tư đối với các tài sản phi rủi ro như trái phiếu Chính phủ tăng cao để đảm bảo các chỉ số theo yêu cầu của cơ quan quản lý cũng như tái cấu trúc lại bảng cân đối tài sản của ngân hàng.
Sự phát triển của thị trường bảo hiểm cũng khiến nhu cầu đầu tư của khối này tăng lên. Trong khi đó, khối lượng gọi thầu trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước lại hạn chế hơn trong bối cảnh ngân sách đang thặng dư và tốc độ giải ngân đầu tư công còn chậm.
Ông có thể phân tích lợi, hại của việc lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp đối với nhà đầu tư cũng như đối với nền kinh tế đất nước?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trên góc độ vĩ mô, việc lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm thấp là dấu hiệu cho thấy niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn của đất nước tốt lên.
Nhìn lại việc phát hành trái phiếu Chính phủ từ đầu năm đến nay thì 90% khối lượng phát hành là kỳ hạn từ 10 năm trở lên.
Việc phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp sẽ giúp Chính phủ giảm chi phí huy động và ổn định dòng tiền trả nợ qua các năm, qua đó gánh nặng với ngân sách nhà nước cũng được giảm bớt và tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ chủ động hơn trong hoạt động đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, việc điều tiết mức lãi suất trái phiếu Chính phủ phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và thị trường là rất quan trọng để đảm bảo duy trì khả năng huy động vốn ổn định, lâu dài của Chính phủ.
Đối với các nhà đầu tư, tùy vào loại hình và mục đích đầu tư sẽ có lợi hay bất lợi và rủi ro khác nhau. Với các nhà đầu tư kinh doanh ngắn hạn trái phiếu Chính phủ thì xu hướng lãi suất giảm trước mắt sẽ đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư vì giá của trái phiếu biến động ngược chiều với xu hướng biến động của lãi suất. Dù vậy, với đối tượng này thì lãi suất trái phiếu càng giảm thì rủi ro của khoản đầu tư càng tăng.
Đối với các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn cho đến ngày đáo hạn của trái phiếu Chính phủ, khi lãi suất giảm sẽ làm cho họ khó khăn hơn và có thể dẫn đến giảm nhu cầu đầu tư nếu họ có được các lựa chọn đầu tư khác có cùng mức rủi ro mà có lãi suất cao hơn.
Giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn chậm, không có nhiều chuyển biến. Trong khi đó, vốn trái phiếu huy động nhiều, nhưng lại chậm được giải ngân có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế hay không, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây. Số liệu giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2019 chỉ đạt 49,83% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% so với kế hoạch Thủ tướng giao; trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng hơn 26% kế hoạch Quốc hội giao.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, vốn đầu tư công có tính dẫn dắt vốn đầu tư của các thành phần khác và đối với các nước đang phát triển thì 10% tăng vốn đầu tư công sẽ làm tăng 2% vốn đầu tư của các thành phần khác trong cùng thời gian chi tiêu và kéo dài tác động trong hàng chục năm sau.
Do đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến động lực phát triển chung của nền kinh tế.
Ngoài ra, nếu để tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm và không hiệu quả kéo dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ với vai trò là người đi vay trên thị trường trái phiếu Chính phủ và ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn trong dài hạn của Chính phủ phục vụ cho hoạt động đầu tư phát triển nền kinh tế.
Một thị trường trái phiếu muốn phát triển lành mạnh, bền vững sẽ phải dựa trên nền tảng là chất lượng sử dụng vốn của người đi vay ngày càng được cải thiện tốt hơn, hiệu quả hơn về cả tốc độ giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn.
Hiện tại, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc giải ngân, Luật Đầu tư công cũng đã được ban hành vào ngày 13/6/2019, do đó tôi hy vọng những nút thắt sẽ được gỡ trong thời gian tới.
Còn việc huy động trái phiếu Chính phủ không chỉ căn cứ vào tình trạng ngân sách ở thời điểm hiện tại mà dựa trên kế hoạch ngân sách trong các năm tới, do đó Bộ Tài chính chắc chắn cũng đã có những cân đối phù hợp.
Mặt khác, việc phát hành trái phiếu còn phải hướng tới việc xây dựng một thị trường trái phiếu theo hướng bền vững, xây dựng được một đường cong lãi suất tham chiếu cho nhiều loại lãi suất khác, nên việc phát hành cũng cần phải được tiến hành với một tần suất nhất định và với các loại kỳ hạn đa dạng để đảm bảo một đường cong lợi suất liên tục.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone