Diễn đàn VNF

Trái phiếu doanh nghiệp: Sản phẩm tài chính rủi ro, không phù hợp với NĐT nhỏ lẻ

(VNF) - Ông Nguyễn Đình Duy - CFA, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nhấn mạnh, duy trì kỷ luật thị trường trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và chi trả các nghĩa vụ thanh toán đúng hạn là những điểm cốt yếu để thị trường TPDN Việt Nam phát triển bền vững.

Trao đổi với VietnamFinance về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2024 nhất là sau khi Nghị định 08 hết hiệu lực và Nghị định 65 được áp dụng trở lại, ông Nguyễn Đình Duy cho rằng, cần phải làm rõ rằng các quy định trong Nghị định 08/2023 về hoạt động đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ vẫn có hiệu lực và các tổ chức phát hành vẫn có thể tiến hành đàm phán thỏa thuận gia hạn trái phiếu trong năm 2024. Thị trường TPDN vẫn sẽ tiếp tục phát triển sau khi Nghị định 08/2023 hết hiệu lực.

Chưa kể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 còn phát triển theo hướng lành mạnh và kỉ luật hơn nhờ vào các quy định chặt chẽ từ Nghị định 65/2022. Điều này thể hiện ở những yêu cầu chặt chẽ hơn về việc công bố thông tin từ đơn vị phát hành, cũng như siết chặt các quy định về việc tham gia thị trường của các bên, từ nhà đầu tư (NĐT), tổ chức phát hành, cho đến tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, phân phối trái phiếu.

- Trong tháng 1, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nào được ghi nhận. Hiện chỉ có một số ngân hàng như Vietcombank, VietCapital Bank,… công bố kế hoạch phát hành TPDN, trong khi BĐS là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành TPDN lớn thứ 2 trong năm 2023 lại chưa có động tĩnh nào. Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự trầm lắng này?

Theo quan sát của VIS Rating về tình hình phát hành TPDN ở Việt Nam hàng năm, giai đoạn tháng 1 và tháng 2 trước Tết Âm lịch thường là các tháng có lượng phát hành thấp nhất trong năm.

Điều này có nguyên nhân từ yếu tố mùa vụ bởi các tổ chức phát hành thường cố gắng thực hiện xong kế hoạch phát hành vào giai đoạn cuối năm trước đó. Đơn cử như trong năm 2023, trong gần 340 nghìn tỷ mệnh giá phát hành TPDN thì có tới gần 35% được phát hành trong 2 tháng cuối năm. 

Ngoài ra, các kế hoạch phát hành trái phiếu mới thông thường sẽ cần phải xin phê duyệt từ đại hội đồng cổ đông và nhiều doanh nghiệp niêm yết thường chờ đến đợt họp đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm mới bắt đầu triển khai kế hoạch phát hành TPDN.

Nghị định 65 có hiệu lực trở lại trong năm nay và quy định khá khắt khe về nâng chuẩn nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân lại là động lực tăng trưởng chính của thị trường TPDN, chiếm hơn 33% sức mua trên thị trường. Việc thắt chặt quy định về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong thời điểm hiện tại liệu có phải là điều phù hợp?

Đứng trên góc độ là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và công cụ nợ, VIS Rating cho rằng TPDN phát hành riêng lẻ là một sản phẩm tài chính có rủi ro, không phù hợp với số đông các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Việc quy định chặt chẽ hơn về việc chứng minh nhà đầu tư chuyên nghiệp theo như Nghị định 65 là điều cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người không phù hợp để tự đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Tuy vậy, họ vẫn có thể đầu tư vào sản phẩm tài chính này thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp với những cơ chế giám sát chặt chẽ hơn giúp hạn chế rủi ro. 

Bên cạnh đó, với việc Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức hoạt động từ ngày 19/7/2023, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đủ điều kiện đã có thể dễ dàng đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hơn trước.

Theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi để thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững?

Tôi cho rằng việc duy trì tính kỷ luật thị trường trong phát hành TPDN và chi trả các nghĩa vụ thanh toán đúng hạn cũng như công bố thông tin đầy đủ sẽ là những điểm cốt yếu để thị trường TPDN Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Về phía người mua, theo quan điểm của tôi, để có thể phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững thì cần phải có nền tảng nhà đầu tư tổ chức với nhu cầu đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài đủ lớn.

Theo thống kê của VIS Rating, ở các quốc gia có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển với quy mô thị trường trên 50% GDP, nhà đầu tư tổ chức nắm giữ phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung, nhà đầu tư tổ chức sẽ giám sát hoạt động của đơn vị phát hành chặt chẽ hơn, có những yêu cầu về chuẩn mực cụ thể về các điều khoản ràng buộc đối với trái phiếu và đơn vị phát hành, qua đó giảm thiểu những đợt phát hành kém chất lượng.

Ngoài ra, nhà đầu tư tổ chức cũng có thiên hướng đầu tư vào kỳ hạn dài hơn so với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Điều này giúp kênh trái phiếu doanh nghiệp thực hiện đúng vai trò là kênh cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên