Tài chính quốc tế

Triển vọng doanh thu giảm mạnh trong mắt các CEO toàn cầu

(VNF) - Gần 30% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn trong 12 tháng tới. Con số này gấp khoảng 6 lần tỷ lệ của năm ngoái (5%) và là một cú nhảy vọt về mức độ bi quan.

Triển vọng doanh thu giảm mạnh trong mắt các CEO toàn cầu

Đây là một trong những kết quả nổi bật từ cuộc khảo sát thường niên lần thứ 22 của PwC với 1.300 CEO trên toàn thế giới, vừa được công bố tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 21/1/2019.

Kết quả này trái ngược hoàn toàn với năm ngoái, khi mà có tới 57% các CEO lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tăng kỷ lục từ 29% năm trước đó).

Tuy vậy, không phải tất cả đều nhìn nhận tương lai một cách u ám. 42% người trả lời khảo sát vẫn thấy triển vọng kinh tế được cải thiện, mặc dù con số này giảm đáng kể so với mức 57% trong năm 2018.

Nhìn chung, kỳ vọng của các CEO về tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị phân cực hơn trong năm nay nhưng đều có xu hướng giảm. Sự thay đổi rõ rệt nhất là ở Bắc Mỹ, nơi tỷ lệ các CEO lạc quan giảm từ 63% năm 2018 xuống còn 37% do sự suy giảm của các chính sách kích thích tài khóa và các căng thẳng thương mại mới nổi. Khu vực Trung Đông cũng chứng kiến sụt giảm lớn (từ 52% xuống 28%) do bất ổn kinh tế khu vực gia tăng.

Mức độ lạc quan giảm cũng tác động đến các kế hoạch tăng trưởng tại nước ngoài của các CEO. Mỹ vẫn giữ vững vị trí là thị trường hàng đầu để tăng trưởng (27% người trả lời chọn), tuy có giảm đáng kể so với tỷ lệ 46% năm 2018. Thị trường hấp dẫn thứ hai là Trung Quốc (giảm xuống 24% từ 33% năm 2018).

Nhìn chung, Ấn Độ là ngôi sao đang lên trong danh sách năm nay. Quốc gia này gần đây đã vượt qua Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất.

“Quan điểm của các CEO về nền kinh tế toàn cầu cũng tương đồng với nhận định mà nhiều dự báo kinh tế đã đưa ra – đó là triển vọng tăng trưởng sẽ giảm trong năm 2019,” ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC cho biết. “Khi căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng thì cũng không khó hiểu nếu sự lạc quan giảm sút.”

Giảm mạnh mức độ lạc quan vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong ngắn hạn

Sự lo lắng về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang làm giảm niềm tin của các CEO vào triển vọng của chính doanh nghiệp mình trong ngắn hạn. 35% các CEO cho biết họ rất tự tin về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp họ trong 12 tháng tới, giảm từ mức 42% năm 2018. Để thúc đẩy doanh thu trong năm nay, các CEO dự định sẽ chủ yếu dựa vào cải thiện hiệu quả hoạt động (77%) và tăng trưởng hữu cơ (71%).

Khi các chỉ số cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể sắp bước vào giai đoạn suy giảm, nhiệm vụ chính của nhiều CEO giờ đây là ứng phó với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại các thị trường nơi họ hoạt động. Xung đột thương mại, bất ổn chính sách và chủ nghĩa bảo hộ đã thay thế khủng bố, biến đổi khí hậu và gia tăng gánh nặng thuế trong danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng.

Được biết, PwC đã thực hiện 1.378 cuộc phỏng vấn với các CEO tại 91 quốc gia từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2018. Mẫu khảo sát được lập tương ứng với GDP quốc gia để đảm bảo rằng các quan điểm của CEO được thể hiện công bằng trên tất cả các khu vực địa lý. 10% các cuộc phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại, 73% trực tuyến và 10% qua đường bưu điện hoặc gặp trực tiếp. Tất cả các cuộc phỏng vấn định lượng được thực hiện trên cơ sở bảo mật danh tính. 48% công ty có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên: 36% công ty có doanh thu từ 100 triệu đến 1 tỷ USD; 15% công ty có doanh thu lên tới 100 triệu USD; 59% công ty thuộc sở hữu tư nhân.

Xem thêm >> Sau loạt ‘biến cố’, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ

Tin mới lên