Trở lại thời tiền rẻ với tâm thế khác

Minh Anh - 22/09/2023 14:18 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước đã giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Bên cạnh kỳ vọng doanh nghiệp được “tiếp máu” sẽ hồi phục nhanh, mạnh mẽ hơn thì đâu đó có những quan ngại nếu lãi suất giảm nhanh, mạnh và nguồn vốn giá rẻ sẽ đi về đâu…

VNF

Dồn dập vốn giá rẻ…

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2023, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Thực tế thị trường cho thấy, một số ngân hàng rất “mạnh tay” hạ lãi suất cho vay. Cụ thể như ngày 30/6/2023, lần thứ 6 Agribank công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Được biết, tính đến thời điểm cuối tháng 6, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm.

Trong khi đó, Vietcombank đã triển khai chương trình tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng. Cá nhân vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn lãi suất cũng từ 6,5%/năm đối với khoản vay dưới 6 tháng… 

BIDV thì triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay nhà ở thương mại áp dụng từ cuối tháng 6 đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước. Các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.

Tại LPBank, chỉ sau 20 ngày triển khai Gói vay ưu đãi đã có 514/561 điểm giao dịch trên toàn quốc, bao gồm cả địa bàn đô thị và nông thôn có phát sinh khách hàng vay vốn với tổng doanh số giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng; số lượng khách hàng được vay vốn là hơn 5.000 khách hàng. Theo đó, LPBank nâng quy mô gói ưu đãi từ 8.000 tỷ lên 10.000 tỷ cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm.

Dẫu vậy, ngày 27/6, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 4985/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục thúc giục việc giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022.

Trong một tương quan khác, bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT quan ngại: “Việc lãi suất cho vay giảm sâu trong thời gian qua tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn giá rẻ có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn, tạo nên rủi ro bong bóng tín dụng cho nền kinh tế”.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered cho rằng, ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN nới lỏng các kỳ hạn vay, bao gồm hoãn trả nợ (lên đến 12 tháng) với lãi suất vay hợp lý. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các nhà phát triển bất động sản có thể thu xếp thanh toán tiền lãi và tiền gốc đến hạn đối với trái phiếu như thế nào, cũng như tài trợ các dự án và vốn lưu động. Thị trường bất động sản có thể cần hỗ trợ thanh khoản hơn nữa, vì các biện pháp đã thực hiện cho đến nay dường như mới giúp làm giảm áp lực trả nợ ngắn hạn.

Khi cần, vẫn phải có tiền rẻ

Dẫn lại các bài học về tiền rẻ tại Mỹ, ông Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, đó là khủng hoảng bất động sản năm 2008. Để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái, Fed liên tục hạ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng. Từ tháng 5/2001 đến tháng 12/2002, lãi suất có 11 đợt giảm, từ 6,5%/năm xuống còn 1,75%/năm. Lãi suất tín dụng thứ cấp cũng giảm theo. 

Điều này kích thích sự phát triển của khu vực bất động sản và ngành xây dựng làm động lực cho tăng trưởng kinh tế. Trước môi trường tín dụng dễ dãi, các tổ chức tài chính có xu hướng cho vay mạo hiểm, kể cả cho những người nhập cư bất hợp pháp vay. Hệ quả là vay và đi vay ồ ạt nhằm mục đích đầu cơ dẫn tới hình thành bong bóng nhà ở. Năm 2005, có tới 28% số nhà được mua là để nhằm mục đích đầu cơ và 12% mua chỉ để không. 

“Từ năm 2008 cho đến trước đại dịch Covid-19, 11 năm tiền rẻ tràn ngập thị trường thế giới và Mỹ. Thời điểm đó, Mỹ đáng nhẽ nên tận dụng cơ hội để tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế cho thấy quốc gia này đã không tận dụng được cơ hội mà để cho tiền rẻ chảy vào chứng khoán và bất động sản”, ông Cường nhận xét.

Ngược lại với Mỹ thời điểm đó là Trung Quốc, ông Cường cho biết. Đây là quốc gia đã tận dụng rất tốt tiền rẻ khi xây dựng toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Thực tế này cho thấy tiền rẻ không phải là vấn đề xấu, không có gì đáng lo ngại.

Theo ông Cường, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tiền rẻ lại xuất hiện tại Mỹ khi Fed liên tục bơm tiền, thậm chí mạnh hơn năm 2008 và dù có những đạo luật ngăn chặn nhưng dòng tiền rẻ tiếp tục chảy vào chứng khoán, bất động sản, không thực sự tập trung vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc sau đại dịch cũng phải kích cầu, bơm tiền và lần này xảy ra sự cố Evergrande dẫn tới khủng hoảng bất động sản…

“Diễn biến tại Trung Quốc tiếp tục là một bài học về phát triển bất động sản, nhưng khi cần thiết nền kinh tế vẫn phải có tiền rẻ để có thể ngăn chặn đà suy thoái. Việc sử dụng tiền rẻ như thế nào để hiệu quả phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý. Việc quản lý tiền rẻ như thế nào rất quan trọng, nhưng nhiều khi muốn đạt được chỉ tiêu nào đó lại dẫn đến việc quản lý có thể bị nới lỏng và dẫn đến những hệ lụy giống như đã xảy ra ở Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn 2”, ông Cường nói. 

Cũng theo ông Cường, các câu chuyện cho thấy: Thứ nhất, phải ngăn chặn tiền rẻ chảy vào lĩnh vực “nóng”; thứ hai, phải hướng được tiền rẻ vào phát triển các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa là rất quan trọng. Quan trọng hơn cả là việc phối hợp hai chính sách phải bằng hành động thực sự, chứ không chỉ lời nói.

PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023, sức chịu đựng cũng như khả năng hấp thụ và chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Song một yếu tố cần phải lưu ý là khi giảm lãi suất vô hình trung tạo ra những nguồn vốn rẻ, chúng ta sẽ phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này để đảm bảo thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, để tránh vốn phân bổ quá nhiều vào những lĩnh vực đầu tư gây ra rủi ro và mất an toàn của hệ thống.

“Dự báo lạm phát năm 2023 được điều chỉnh xuống mức 2,8% (so với trước đó là 4,3%). Việc nối lại dòng vốn đầu tư một cách bền vững có thể đòi hỏi nỗ lực của chính phủ và bối cảnh kinh tế toàn cầu được cải thiện. Để khôi phục dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục tăng trưởng GDP nhanh chóng và phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng vững chắc, đặc biệt trong lĩnh vực logistic, có thể khuyến khích nhiều nhà sản xuất chuyển đến Việt Nam”, ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác