Liên tục hạ lãi suất: Dòng tiền rẻ và những kỳ vọng

Mai Hạnh - 27/04/2023 06:54 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hai lần hạ lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động và cho vay giảm theo. Nguồn vốn rẻ sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, tác động tích cực đến nền kinh tế, mở ra nhiều hy vọng cho doanh nghiệp và bất động sản.

VNF

Ngược dòng thế giới?

Cuộc đua tăng lãi suất huy động cuối 2022 và đầu 2023 đã đẩy lãi suất tiết kiệm có thời điểm lên đến 11% - 12%/năm, lãi suất cho vay lên tới 15% - 16%/năm. Trước thực trạng lãi suất huy động và cho vay tăng mạnh đe doạ đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, Chính phủ liên tục yêu cầu ngành ngân hàng hạ lãi suất. Liên tiếp trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất, cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.

Để ghìm lãi suất, từ cuối năm ngoái, khi lãi suất huy động vượt trên 10%/năm, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc cùng các ngân hàng thương mại đồng thuận không để lãi suất vượt quá 9,5%/năm. Đầu năm nay, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước lại quyết định hạ lãi suất điều hành. Chỉ trong vòng hơn 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Cụ thể, vào 14/3, đơn vị điều hành tiền tệ thông báo giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành từ 15/3 nhưng không bao gồm lãi suất tái cấp vốn. Nửa tháng sau, Ngân hàng Nhà nước lại tiến hành giảm các loại lãi suất điều hành thêm 0,3% - 0,5%/năm.

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá được duy trì ở mức tương đối ổn định, việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng dần chính sách tiền tệ, giảm lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, có tác động nhanh, nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế. Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Dựa vào các dấu hiệu thị trường, chúng tôi đã chủ động đi trước một bước là giảm lãi suất chính sách. Ý nghĩa của việc điều chỉnh một số mặt bằng lãi suất điều hành là để định hướng cho thị trường giảm lãi suất thương mại, lãi suất cho vay”. Ông Quang cũng cho hay, giảm lãi suất là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ suốt thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước điều hành để cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động rồi yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để có nền tảng giảm lãi suất cho vay.

Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ: “Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thêm trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng”.

Sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt lãi suất thị trường như lãi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi đều giảm rõ rệt. Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ 15/3, các nhà băng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Đến 3/4, khi Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, toàn bộ nhóm ngân hàng tư nhân đã điều chỉnh lại biểu lãi suất huy động. So với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất tiền gửi niêm yết tại các ngân hàng hiện đã giảm khoảng 0,5% - 1,5% ở tất cả kỳ hạn.

Sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất cho vay cũng rục rịch giảm. Ông Phạm Chí Quang cho biết, đến cuối tháng 3, đã có 24 ngân hàng giảm lãi vay, lãi suất tiền gửi cũng đồng loạt giảm. Và hy vọng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm 2023.

Kỳ vọng dòng tiền rẻ

Việc Ngân hàng Nhà nước giảm liên tiếp 2 lần lãi suất điều hành là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, mở ra hi vọng cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp hơn. Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm giá vốn đầu vào, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, tín dụng chậm là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng có sự hồi phục trong nửa cuối tháng 3. Song mức tăng trưởng nhìn chung vẫn khá yếu (chỉ vào khoảng hơn 10% so với cùng kỳ).

Khi lãi suất tiết kiệm thấp, người dân và doanh nghiệp thay vì gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi thì sẽ đẩy ra sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó lãi suất khoản vay thấp thì doanh nghiệp dễ dàng đi vay để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất dao động 10% - 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11% - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.

Giới phân tích nhận định, dù lãi suất huy động đã giảm trên diện rộng nhưng lãi suất cho vay chưa giảm đủ sâu. Lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định để mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào nền kinh tế. “Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm, lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh mạnh”, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn Tài chính FIDT, dự báo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân cho rằng, dù lãi suất huy động hạ nhiệt nhưng lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm. Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III năm 2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn. Còn theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trước áp lực tỷ giá và lạm phát thì việc hạ lãi suất cần thận trọng và có lộ trình, trong đó, lãi suất cho vay nên giảm dần về mức 9% là phù hợp.

Gần đây, song song với việc hạ lãi suất đầu vào, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay và đồng loạt triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng giảm lãi vay với mức giảm cao nhất lên tới 3%/năm, áp dụng cho cả khoản vay kinh doanh bất động sản.

Giảm lãi suất cho vay thương mại và gói tín dụng ưu đãi là 2 luồng vốn được kỳ vọng sẽ thổi hơi ấm cho thị trường bất động sản, giúp người mua nhà có thể tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất thấp, đồng thời nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ dồi dào hơn.

Gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có dấu hiệu ấm lại. Tín dụng bất động sản cũng đang được khơi thông. Tính tới cuối tháng 2, dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với cuối năm 2022. Một số chuyên gia nhận định, những tín hiệu tích cực từ dòng tiền cho doanh nghiệp sẽ giúp thị trường bất động sản giải quyết được bài toán vốn, cùng với việc xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý sớm sẽ giúp ngành bất động sản có cơ hội ấm dần. Với tốc độ hạ nhiệt lãi suất như hiện nay, giới chuyên gia kỳ vọng, lãi vay mua nhà sẽ trở lại mức 10% - 11%/năm cuối năm nay, từ đó kích thích nhu cầu vay mua nhà tăng trở lại.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác