‘Không còn dòng tiền rẻ trên thị trường dù gói kích thích kinh tế được đẩy mạnh’

Ngân Kim - 07/06/2022 18:18 (GMT+7)

(VNF) - Theo các chuyên gia đánh giá, dù hơn 300.000 tỷ đồng còn lại của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ được đẩy mạnh ra nền kinh tế trong thời gian tới, dòng tiền rẻ cũng sẽ không còn trên thị trường.

Ông Ngô Thế Hiển và ông Vũ Duy Khánh ở Talkshow Phố Tài chính

‘Không còn dòng tiền rẻ trên thị trường dù gói kích thích kinh tế được đẩy mạnh’

Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết từ thời điểm gói kích thích kinh tế được ra đời là tháng 1/2022, nhiều kỳ vọng được đặt ra về việc giải ngân và triển khai mạnh ngay trong quý I và quý II.

Vị chuyên gia này cho biết, dù mức độ giải ngân và triển khai chậm hơn so với mong đợi, tính đến nay, gói kích thích này đã phần nào có sức ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên,  ông Hiển cho rằng dòng tiền rẻ cũng sẽ không còn trên thị trường, dù hơn 300.000 tỷ đồng còn lại của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ được đẩy mạnh ra nền kinh tế trong thời gian tới.

Nguyên nhân thứ nhất là xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Theo đó, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ, đã nhìn rõ và đón xu hướng này từ trước, từ đó thực hiện bán ròng trên thị trường Việt Nam khá nhiều kể từ năm 2020 trở lại đây.

Theo ông Hiển, dòng tiền chi phí thấp từ nước ngoài như trước đây rõ ràng là không còn nữa.

Ở trong nước, dù Chính phủ đang triển khai các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ 2% lãi suất, tuy nhiên lần triển khai này sẽ khác so với thời điểm năm 2009.

“Mức độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đối với dòng vốn này sẽ chặt hơn với bài học quá khứ khi gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 làm lạm phát tăng lên rất cao’, đại diện SHS cho biết.

Đồng quan điểm, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cũng cho rằng thị trường không còn dòng vốn rẻ.

Trước đó, với dòng vốn rẻ, một số doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi đã giải ngân trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên hiện nay, dòng vốn đã bắt đầu bị rút cùng với một số sự kiện trong quý II vừa qua khiến hoạt động cho vay bị siết lại, đầu tư đại trà trở nên hạn chế hơn.

“Thực tế, lãi suất huy động các ngân hàng thương mại, bao gồm cả nhóm Big4, đang tăng. Dù mức tăng khá nhẹ nhưng tiền đã đắt lên”, ông Khánh cho biết.

Về mặt kinh tế, ông Vũ Duy Khánh nhận định đây là tín hiệu tốt, nhưng trong giai đoạn mới, câu chuyện sẽ vẫn khó khăn hơn.

Chuyên gia khuyến nghị nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình

Trong bối cảnh trên, dù nhiều rủi ro đã được dự báo nhưng ông Vũ Duy Khánh cho rằng thị trường nội vẫn còn nhiều cơ hội, tất nhiên không “dễ dãi”như giai đoạn trước.

“Cách đây 6 tháng, có những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng trưởng, thậm chí tăng mạnh. Tuy nhiên bắt đầu từ quý II vừa qua, câu chuyện đã hoàn toàn khác”, đại diện AAS cho biết.

Theo ông Khánh, trong ngắn hạn, khoảng ít nhất nửa tháng tới 1 tháng, mức rủi ro là tương đối thấp.

Ông cho rằng nhà đầu tư nên chọn những ngành có khả năng tăng trưởng, những ngành có thể xuất khẩu và đặc biệt khuyến nghị những cổ phiếu vốn hóa trung bình.

“Trong giai đoạn tiền không rẻ, nếu nhà đầu tư chọn những cổ phiếu mang tính quốc dân thì rất khó tăng trưởng. Để đề phòng những biến động bất định, nhà đầu tư cần phải có lượng tiền và quản trị danh mục phù hợp”, ông Vũ Duy Khánh cho biết.

Về phía đại diện SHS, ông Ngô Thế Hiển cho rằng ở giai đoạn hiện tại, một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể xem xét là thủy sản, cảng biển, logistics và ngân hàng.

“Nếu nhà đầu tư có nguồn tài chính dự phòng, khi thị trường vào những nhịp sụt giảm, có thể mua được những cổ phiếu tốt ở vùng giá thấp. Tuy nhiên nếu giao dịch kỹ quỹ (margin) quá nhiều, nhà đầu tư sẽ phải bán ra khi thị trường giảm và đánh mất cơ hội trong những giai đoạn đó”, ông Hiển cho biết.

Theo ông, nhà đầu tư nên cẩn trọng với việc ra quyết định đầu tư vào ngành nghề hay cổ phiếu nào, vì sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các cổ phiếu trong một ngành. Vị chuyên gia này cho rằng cần phải theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề tăng lãi suất của FED, các vấn đề liên quan tới lạm phát ở bên ngoài để có thể kịp thời hạn chế rủi ro phát sinh.

Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Cùng chuyên mục
Tin khác