Trung Nam Group: Thua lỗ gần 3.000 tỷ, gánh khoản nợ 'khổng lồ' 65.000 tỷ

Nghi Xuân - 03/12/2024 16:01 (GMT+7)

(VNF) - Kết thúc năm 2023, Trung Nam Group ghi nhận khoản lỗ sau thuế là 2.878 tỷ đồng, trong khi năm 2022 doanh nghiệp này báo lãi 252 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023, với nhiều chỉ số đáng quan ngại.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Trung Nam Group đạt 24.289,6 tỷ đồng, giảm 3.624 tỷ đồng so với năm 2022.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Trung Nam Group trong năm 2023 tăng lên 2,68 lần, tương ứng với khoản nợ gần 65.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu chiếm khoảng 18.218 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, Trung Nam Group ghi nhận khoản lỗ hợp nhất sau thuế là 2.878 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi 252 tỷ đồng và năm 2021 lãi 1.635 tỷ đồng.

Tình hình tài chính năm 2023 của Trung Nam Group.

Trung Nam Group được thành lập tháng 11/2004, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Tại thời điểm tháng 10/2015, Trung Nam Group thực hiện điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 1.490 tỷ đồng lên 1.886,4 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 1/2022 vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt gần 21.000 tỷ đồng (gấp hơn 11 năm so với năm 2015).

Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group là ông Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973).

Hồi tháng 5/2024, Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh từng bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 21 tỷ đồng tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa.

Đến ngày 1/6/2024, ông Nguyễn Tâm Thịnh được hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh sau khi Trung Nam Group đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Sau 20 năm hoạt động, Trung Nam Group đã trở thành tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực, gồm: năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

Năng lượng là mảng kinh doanh chính của Trung Nam Group. Một số dự án đáng chú ý như Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Bình Thuận) với công suất 450MW, sản lượng điện tối đa 1,2 triệu kWh/năm; Điện gió Ea Nam Đắk Lắk đóng góp 1,1 tỷ kWh/năm vào nguồn điện quốc gia... Công ty cũng đầu tư một số nhà máy thủy điện như Krông Nô 3, Đồng Nai 2.

Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh.

Với mảng hạ tầng, Trung Nam Group đầu tư vào các công trình cầu dây văng vượt sông lớn, cảng biển, hệ thống thủy lợi bảo vệ vùng lõi TPHCM với hơn 100km đường giao thông khắp 3 miền. Đáng chú ý, Trung Nam Group là đơn vị thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TPHCM, đầu tư Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 (Ninh Thuận) quy mô 6.500 tỷ đồng...

Một trụ cột khác của Trung Nam Group là bất động sản. Doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ từ giải phóng mặt bằng đến quản lý xây dựng tại các tòa nhà Trung Nam, Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley, Golden Hills.

Một trong những dự án của Trung Nam Group nhận được sự quan tâm dư luận là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP. HCM. Trước đó, dự án được khởi công từ tháng 6/2016, nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng đến nay, dự án đã ngừng thi công nhiều lần và trễ hẹn vận hành.

Phát biểu tại Quốc hội hôm 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm "điểm danh" dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP. HCM là một trong những điển hình của sự lãng phí.

"Trải qua hai nhiệm kỳ, tiền nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TP. HCM vẫn phải chịu ngập lụt. Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác