Trung Quốc cảnh báo ‘gã khổng lồ’ bán lẻ Mỹ vì loại bỏ sản phẩm Tân Cương
Quỳnh Anh -
01/01/2022 10:56 (GMT+7)
(VNF) - Cơ quan chức năng Trung Quốc đã cáo buộc gã khổng lồ bán lẻ Walmart của Mỹ là “thiển cận” sau khi các hãng tin Trung Quốc cho biết chuỗi cửa hàng thuộc tập đoàn này loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương.
Tuần trước, Sam’s Club – chuỗi cửa hàng bán lẻ thuộc tập đoàn Walmart, đã hứng chịu chỉ trích tại Trung Quốc sau khi một số thông tin trên mạng xã hội và truyền thông cho biết các sản phẩm từ vùng Tân Cương đã bị xóa khỏi ứng dụng trực tuyến của chuỗi cửa hàng.
Vụ việc này xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cấm nhập khẩu từ Tân Cương vào ngày 23/12, khiến công chúng và dư luận Trung Quốc càng ra sức chỉ trích thậm tệ chuỗi cửa hàng có nguồn gốc từ Mỹ và cho rằng Walmart không tôn trọng Trung Quốc dù làm ăn tại quốc gia này.
“Gã khổng lồ bán lẻ” Walmart là công ty nước ngoài mới nhất phải chịu áp lực của phương Tây về việc không được sử dụng hay bày bán các sản phẩm có nguồn gốc Tân Cương. Mặc dù hứng chịu chỉ trích, nhưng cả Walmart và Sam’s Club đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Trung Quốc đã cáo buộc Sam’s Club và Walmart tẩy chay các sản phẩm của Tân Cương và cố gắng “xoa dịu” cuộc tranh cãi bằng cách giữ im lặng.
“Việc loại bỏ tất cả các sản phẩm từ một khu vực mà không có lý do chính đáng ẩn chứa động cơ thầm kín, bộc lộ sự ngu ngốc và thiển cận, chắc chắn sẽ tự gây ra hậu quả xấu”, CCDI cho biết trên trang web của cơ quan.
Trung Quốc là một thị trường khổng lồ đối với Walmart, công ty đã tạo ra doanh thu 11,43 tỷ USD tại nước này trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/1. Trong số 423 đơn vị bán lẻ Walmart hoạt động tại Trung Quốc, có 36 đơn vị là cửa hàng Sam’s Club. Vì vậy, việc bị các cơ quan chức năng Trung Quốc cảnh cáo chắc chắn ảnh hưởng không nhẹ tới doanh thu của hãng.
Đầu tuần này, hashtag Weibo “Hủy thẻ Sam’s Club” đã lan truyền mạnh mẽ, với hơn 470 triệu lượt truy cập. Ngày 31/12, tờ China Daily đưa tin rằng các đối thủ trong nước của Sam’s Club đã tận dụng thời cơ để tổ chức các chiến dịch quảng bá hàng hóa từ Tân Cương.
Sau khi bị CCDI “chỉ mặt đặt tên” và bị người dân Trung Quốc đe doạ tẩy chay, đại diện dịch vụ khách hàng của Sam’s Club giải thích rằng các sản phẩm không bị loại bỏ mà là hết hàng. Nhưng lời giải thích này bị CCDI coi là “lời bào chữa tự lừa dối” cho biết chuỗi nên tôn trọng quan điểm của Trung Quốc đối với Tân Cương nếu họ muốn “đứng vững trên thị trường Trung Quốc”.
Hồi tháng 7/2021, nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đã báo cáo doanh số bán nội tệ ở Trung Quốc giảm 23% trong quý II sau khi bị người tiêu dùng tẩy chay vào tháng 3 vì tuyên bố công khai rằng họ không cung cấp các sản phẩm từ Tân Cương.
Trong tháng này, nhà sản xuất chip Intel của Mỹ cũng vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ sau khi yêu cầu các nhà cung cấp của họ không cung cấp sản phẩm hoặc lao động từ Tân Cương, khiến hãng phải xin lỗi vì “rắc rối đã gây ra cho các khách hàng, đối tác và công chúng Trung Quốc đáng kính của chúng tôi”.
Trong ngày 31/12, CCDI cáo buộc H&M, Intel và Sam’s Club hợp tác với “lực lượng phương Tây chống Trung Quốc” để gây bất ổn ở Tân Cương bằng cách đàn áp và tẩy chay các sản phẩm từ khu vực này.
“Các công ty phương Tây này, từng khoe khoang rằng họ không bị can thiệp chính trị, đã tự tát vào mặt mình bằng những hành động của chính họ”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone