Tân Cương: 'H&M sẽ không thể kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc'

Mộc An - 29/03/2021 15:53 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Thụy Điển H&M nên xem xét vấn đề Tân Cương của Trung Quốc một cách nghiêm túc, và không nên đưa chính trị vào các hoạt động thương mại của mình, một người phát ngôn của chính quyền Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) tuyên bố.

VNF

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/2, người này cho biết các công ty không nên chính trị hóa các hoạt động kinh tế của mình và “H&M sẽ không thể kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc nữa”.

Ông cũng nói thêm "Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã sử dụng vấn đề nhân quyền ở Tân Cương như một cái cớ ngụy tạo, tham gia vào thao túng chính trị để gây mất ổn định tình hình ở Trung Quốc".

Trước đó, Mỹ, EU, Anh và Canada ngày 22/3 đã phối hợp trừng phạt các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Cụ thể, EU cho biết sẽ áp dụng lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương, và một công ty xây dựng tại Tân Cương.

Động thái này đánh dầu lần đầu tiên kể từ năm 1989 EU ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền.

H&M và nhiều thương hiệu thời trang lớn khác như Uniqlo của Nhật, Nike, Adidas, GAP của Mỹ, Fila của Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại "về các báo cáo sử dụng lao động cưỡng bức ở và có liên quan đến Tân Cương".

H&M tuyên bố sẽ không “làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương”.

Tối 24/3, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đã đăng tải bài viết phản đối hãng thời trang H&M.

Cùng ngày, hàng loạt sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall, Pinduoduo, Jingdong đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M và gỡ các sản phẩm của thương hiệu này khỏi trang web bán hàng.

Cho tới nay, ít nhất 6 cửa hiệu H&M ở Trung Quốc đã bị chủ cho thuê mặt bằng yêu cầu đóng cửa, hàng loạt biển quảng cáo bị gỡ bỏ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định bông Tân Cương là "một trong những loại bông tốt nhất thế giới, không sử dụng nó là gây thiệt hại cho các công ty này". Bà nói thêm rằng các báo cáo về "lao động cưỡng bức" ở Tân Cương là tin đồn sai sự thật do lực lượng chống Trung Quốc tung ra. 

"Bắc Kinh coi việc H&M và Nike tẩy chay bông Tân Cương là gây thiệt hại cho chính họ", bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter mới đây cho biết Mỹ lên án việc Trung Quốc tiến hành chiến dịch trên mạng xã hội, tẩy chay thương hiệu của các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Bà Porter khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ "ủng hộ và sát cánh" cùng các công ty đã "tuân thủ pháp luật của Liên hợp quốc (LHQ)" bằng việc đảm bảo rằng sản phẩm mà họ bán không phải do những người bị cưỡng bức lao động sản xuất ra.

Xem thêm >> Chìm sâu trong khủng hoảng, Venezuela phải đổi dầu mỏ lấy vaccine Covid-19

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác