H&M bị tẩy chay tại Trung Quốc sau tuyên bố ‘không mua bông Tân Cương’

Thanh Tú - 25/03/2021 13:45 (GMT+7)

(VNF) - Thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M là cái tên tiếp theo hứng phải làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc. Tất cả các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã đồng loạt gỡ các sản phẩm H&M khỏi trang web bán hàng.

VNF
H&M bị tẩy chay tại Trung Quốc sau tuyên bố ‘không mua bông Tân Cương’.

Tối 24/3, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đã đăng tải bài viết phản đối hãng thời trang H&M khi hãng này tuyên bố sẽ không “làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương”.

Động thái của H&M được đưa ra sau khi Mỹ và một số nước châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc với cáo buộc bóc lột lao động, kỳ thị và vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ngay trong tối 24/3, loạt sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall, Pinduoduo, Jingdong đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M và gỡ các sản phẩm của thương hiệu này khỏi trang web bán hàng.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người tiêu dùng Trung Quốc, tài khoản Weibo của H&M ngày 24/3 đăng bài phản hồi khẳng định: "Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc và chú trọng cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc. Hãng mua bông từ bên thứ ba, không trực tiếp mua bông từ bất kỳ đơn vị cung ứng nào”.

Không chỉ H&M, nhiều thương hiệu thời trang lớn khác như Uniqlo của Nhật, Nike, Adidas, GAP của Mỹ, Fila của Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại "về các báo cáo sử dụng lao động cưỡng bức ở và có liên quan đến Tân Cương".

Tân Cương là vùng sản xuất bông lớn của thế giới, cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may của nhiều nước. Tuy nhiên thời gian gần đây, Mỹ và một số nước châu Âu cáo buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bóc lột sức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương, dẫn đến áp đặt lệnh trừng phạt.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi giữa tháng 1 đã ra lệnh cấm nhập khẩu sợi bông thô, quần áo và hàng dệt làm từ bông trồng ở Tân Cương, kể cả các sản phẩm được làm ra ở nước thứ ba với cáo buộc "sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ".

Theo AP, lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt là các nước nhập khẩu bông chủ yếu từ Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho tới nay đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc “bóc lột lao động” trong hoạt động sản xuất bông ở khu tự trị Tân Cương. Bộ này khẳng định những báo cáo do truyền thông phương Tây lan truyền đều là “ngụy tạo từ những đối tượng chống phá chính quyền”.

Xem thêm >> Mới nhậm chức 2 tháng, Tổng thống Biden đối mặt với loạt vụ kiện

Theo Washington Post
Cùng chuyên mục
Tin khác