Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc có nguy cơ ‘bể kèo’ sau loạt đòn đáp trả qua lại

Thanh Tú - 24/03/2021 20:36 (GMT+7)

(VNF) - Nghị viện châu Âu (EP) ngày 23/3 tuyên bố đã hủy cuộc họp thảo luận về Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong bối cảnh leo thang căng thẳng thời gian gần đây.

VNF
Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc có nguy cơ ‘bể kèo’ sau loạt đòn đáp trả qua lại.

Ông Reinhard Buetikofer, chủ tịch phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại EP, nhận định trên Twitter rằng “số phận thỏa thuận hiện rất bấp bênh”.

Ông Kathleen van Brempt, một nghị sĩ của EP, thì cho rằng " việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ của EP là điều kiện tiên quyết để đàm phán với chính phủ Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư”.

Nghị sĩ Đức Reinhard Bütikofer cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đã cản trở việc phê duyệt thỏa thuận EU - Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp thuộc EP đều bày tỏ lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, họ cho rằng Bắc Kinh nên phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về vấn đề này trước khi thỏa thuận đầu tư được thông qua.

Về phía Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "EU không thể một mặt muốn nói chuyện hợp tác và có được các lợi thế, mặt khác làm tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc bằng lệnh trừng phạt".

Bà Hoa cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục có các biện pháp đáp trả cho tới khi EU nhận thức được "sai lầm" của mình, đồng thời cảnh báo các nước phương Tây sẽ phải "trả giá" vì trừng phạt Trung Quốc.

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước phương Tây leo thang sau khi EU, Anh và Canada ngày 22/3 công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào 4 cá nhân và 1 tổ chức tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1989 EU ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền.

Ngay sau đó, để đáp trả EU, Trung Quốc đã áp cấm vận lên 10 cá nhân và 4 tổ chức tại liên minh này với cáo buộc họ "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như truyền bá những thông tin dối trá và nguỵ tạo” liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Trước đó, EU và Trung Quốc ngày hồi cuối tháng 12 năm ngoái thông báo đã hoàn tất về nguyên tắc Hiệp định đầu tư toàn diện giữa 2 bên sau 35 vòng đàm phán kể từ năm 2013.

Việc hoàn tất hiệp định đầu tư sau 7 năm đàm phán được châu Âu đánh giá là một cột mốc quan trọng giúp châu Âu xây dựng được quan hệ thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc, có nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại Trung Quốc.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen, phía Trung Quốc đã cam kết minh bạch hơn về trợ cấp nhà nước, phương thức kinh doanh cũng như không ép buộc chuyển giao công nghệ hay bắt buộc liên doanh. Đồng thời, hiệp định cũng sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu.

Các công ty châu Âu sẽ được phép đầu tư vào các lĩnh vực như ô tô điện, bệnh viện tư, bất động sản, quảng cáo, công nghiệp hàng hải, dịch vụ điện toán đám mây... tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, những diễn biến căng thẳng gần đây cho thấy số phận hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc có khả năng sẽ bị đe dọa. 

Xem thêm >> Bất chấp cảnh báo từ Đức, Mỹ kiên quyết phản đối Dòng chảy phương Bắc 2

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác