Trung Quốc dính đòn: Xuất khẩu đi xuống sau 7 năm, giảm phát 3 tháng liên tiếp

Đăng Phạm - 13/01/2024 23:59 (GMT+7)

(VNF) - Nền kinh tế Trung Quốc đã có một năm 2023 ảm đạm với những kết quả không mấy tích cực. Nhu cầu yếu cả trong và ngoài nước đã khiến kim ngạch xuất khẩu của nước này sụt giảm trong khi các áp lực gây giảm phát vẫn tồn tại dai dẳng.

Đòn giáng kép

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố cuối tuần qua, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 của nước này đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất (trừ ô tô) chậm lại. 

Một tàu chở hàng chuẩn bị cập bến tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD vào khoảng 3,38 nghìn tỷ USD vào năm 2023, giảm 4,6% so với năm trước. Năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7% so với năm 2021. Lần cuối cùng Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu ra nước ngoài là vào năm 2016, khi xuất khẩu giảm 7,7%.

Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm trong năm 2023 xuống còn 2,56 nghìn tỷ USD (giảm 5,5%). Thặng du thương mại của Trung Quốc trong năm 2023 là 823 tỷ USD.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/1 ở Bắc Kinh, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc Lý Khôi Văn cho hay: “Kinh tế toàn cầu phục hồi yếu trong năm qua khiến nhu cầu yếu, điều đó đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc.”

Ông hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên cường đối mặt với “khó khăn” trên thị trường xuất khẩu vì nhu cầu toàn cầu có thể vẫn yếu và “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương” cản trở tăng trưởng.

Tuy nhiên, đó không phải là dữ liệu ảm đạm duy nhất mà Trung Quốc công bố. Một vấn đề nổi cộm khác mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt chính là áp lực giảm phát.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 cải thiện nhẹ so với tháng 11, nhưng giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cả năm 2023, CPI của Trung Quốc chỉ đạt 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 3%. Giới chức trách Trung Quốc dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% vào năm 2024, tương đương với mốc năm 2023, mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Thịt lợn được bán tại chợ bán buôn ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số CPI giảm so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu đợt giảm dài nhất kể từ năm 2009. Giá lương thực, đặc biệt là giá thịt lợn, đã tác động mạnh đến chỉ số này.

Theo các nhà phân tích, với tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài, thị trường việc làm yếu kém và những trở ngại khác như rủi ro nợ làm giảm triển vọng tăng trưởng, người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hạn chế chi tiêu.

“CPI cơ bản của Trung Quốc ở mức thấp, có thể phản ánh nhu cầu trong nước suy giảm do sự suy thoái bất động sản đang diễn ra và thị trường lao động căng thẳng”, các nhà phân tích của Goldman Sachs bình luận.

Cũng theo số liệu của NBS, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), đo lường giá bán sản phẩm từ cổng nhà máy, giảm 2,7% trong tháng 12 năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 15 liên tiếp.

Chỉ số PPI của Trung Quốc chịu áp lực do giá nguyên liệu thô và hàng hóa toàn cầu giảm đều đặn hàng tháng kể từ tháng 10/2022.

Các nhà phân tích của Capital Economics cho rằng tăng trưởng toàn cầu yếu và chú trọng đầu tư hạ tầng quá mức ở Trung Quốc có nghĩa là rủi ro giảm phát sẽ tiếp tục đeo bám nền kinh tế nước này trong một thời gian.

Những tia hy vọng

Ngoài những kết quả kém khả quan, có một số tin tức tích cực được NBS công bố cuối tuần qua. Trong tháng 12, xuất khẩu tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ hai liên tiếp và cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc cải thiện đôi chút. 

Nga là một điểm sáng hiếm hoi khi xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này tăng gần 47% vào năm 2023 và nhập khẩu tăng gần 13%. Với 240 tỷ USD, thương mại với Nga đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2023.

Ô tô điện BYD chờ được xếp lên tàu tại bến container quốc tế của cảng Taicang, nằm ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc

Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2023, chiếm 11,2% tổng thương mại. 

Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy ASEAN và Liên minh châu Âu lần lượt chiếm 15,4% và 13,2% tổng thương mại với Trung Quốc.

Quốc gia này cũng ghi nhận mức tăng 69% trong tổng giá trị xuất khẩu ô tô vào năm ngoái, mức cao nhất trong số tất cả các chủng loại.

Ông Lý cho biết, về mặt số lượng, Trung Quốc đã xuất xưởng 5,22 triệu xe vào năm 2023, tăng 57% so với năm 2022. Điều đó một phần nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xe điện.

“Cứ ba chiếc ô tô được Trung Quốc xuất khẩu thì có một chiếc là xe chạy điện", ông Lý cho hay.

"Nhìn về tương lai, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh toàn diện mạnh mẽ và có thể tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm cải tiến ngày càng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu”, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhấn mạnh thêm.

Đầu tuần này, một tập đoàn công nghiệp ô tô lớn của Trung Quốc cho biết nước này “chắc chắn” vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào năm ngoái, nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở Nga và nhu cầu xe điện ngày càng tăng trên toàn cầu.

Bảng xếp hạng sẽ được xác nhận sau khi số liệu chính thức hàng năm của Nhật Bản được công bố, dự kiến ​​trong vài tuần tới.

Xem thêm >> Vốn FDI giảm mạnh, Trung Quốc nỗ lực ‘lấy lòng’ nhà đầu tư nước ngoài

Theo CNN, CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác