Trung Quốc kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tăng cường thâu tóm công ty Hong Kong
Thanh Tú -
16/09/2019 10:50 (GMT+7)
(VNF) - Chính quyền Trung Quốc kêu gọi gần 100 doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thêm quyền kiểm soát với các công ty ở Hong Kong.
Ủy ban giám sát tài sản nhà nước và hành chính quốc gia Trung Quốc (SASAC) hồi cuối tuần trước đã tổ chức một cuộc họp với đại diện cấp cao tới từ gần 100 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc nhằm đưa ra giải pháp giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hong Kong.
Theo Reuters, SASAC đã hối thúc các doanh nghiệp này đẩy mạnh đầu tư, mua thêm quyền kiểm soát doanh nghiệp Hong Kong để có quyền điều hành chứ không chỉ đơn thuần nắm cổ phần.
Đáp lại, nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã cam kết sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào các ngành công nghiệp chính của Hong Kong, bao gồm lĩnh vực bất động sản và du lịch.
Thông tin này khiến nhiều người thêm quan ngại về việc Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực kiểm soát hơn nữa Hong Kong.
Làn sóng biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực trong hai ngày cuối tuần. Mặc dù cuộc biểu tình phát động ngày 15/9 đã bị cảnh sát từ chối cấp phép, nhưng những người biểu tình vẫn ra đường tuần hành và có những hành động quá khích khiến đặc khu này tiếp tục phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề.
Tình hình bất ổn tại Hong Kong đã khiến lượng khách du lịch đến đặc khu này trong những tháng gần đây giảm mạnh.
Cơ quan quản lý hàng không Hong Kong cho biết trong tháng 8, lượng vận chuyển hành khách ghi nhận 6 triệu lượt người, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lượng máy bay cất và hạ cánh cũng giảm 3,5% so với năm trước, ghi nhận 35.655 lượt chuyến.
Lượng vận chuyển hàng hóa trong tháng 8 cũng giảm 11,5% còn 382 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan này nêu rõ lượng vận chuyển hành khách giảm chủ yếu bị ảnh hưởng bởi số lượng khách du lịch sụt giảm, trong đó lượng hành khách đến và đi từ Trung Quốc, Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc) đã có sự sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái.
Do môi trường thương mại toàn cầu không sáng sủa, lượng vận chuyển hàng hóa trong tháng 8 tiếp tục giảm, lượng hàng hóa trung chuyển và nhập khẩu lần lượt giảm 19% và 15% so với cùng kỳ.
Trong số các khu vực thương mại chính, lượng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Đông Nam Á và Trung Quốc sụt giảm rõ rệt nhất.
Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi là tâm điểm gây tranh cãi ở Hong Kong thời gian qua, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát.
Nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc đại lục, người Đài Loan, Macau cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.
Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngày 4/9 đã tuyên bố chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi trong nhiều tháng qua.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.