Trung Quốc khoan sâu hơn 2.000m lấy trầm tích ở Biển Đông

Thanh Tú - 09/04/2021 12:51 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Reuters ngày 8/4 dẫn nguồn từ truyền thông Trung Quốc cho biết các nhà khoa học nước này đã khoan sâu hơn 2.000m xuống Biển Đông để lấy lõi trầm tích.

VNF
Hệ thống khoan “Sea Bull II” của Trung Quốc.

Cụ thể, Reuters dẫn lại thông tin từ Tân Hoa xã cho biết các nhà khoa học Trung Quốc ngày 7/4 sử dụng hệ thống khoan “Sea Bull II” để thu được lõi trầm tích dài 231m ở độ sâu 2.060m. Quá trình này kéo dài khoảng 15 tiếng đồng hồ.

Theo Tân Hoa xã, Sea Bull II được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của giáo sư Wan Buyan tại Đại học Khoa học Công nghệ Hồ Nam. Hệ thống này nặng 12 tấn và được xem là thiết bị thăm dò địa chất dưới nước nặng nhất của Trung Quốc.

Cũng theo Tân Hoa xã, Sea Bull II là thiết bị khoan đáy biển duy nhất trên thế giới với khả năng khoan hơn 2.000m xuống đáy biển, nó có thể giúp khám phá các nguồn khí tự nhiên hydrat dưới đáy biển, được coi là một nguồn năng lượng có nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Ông Wan Buyan cho biết trong vài năm tới, nhóm của ông sẽ cố gắng khoan trầm tích ở độ sâu 11.000m trong rãnh Mariana để nghiên cứu sự phát triển của các hệ sinh thái trong rãnh.

Hiện không rõ Trung Quốc đã khoan xuống địa điểm chính xác nào trên Biển Đông.

Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang leo thang thời gian gần đây.

Trước đó, Lực lượng chuyên trách biển Tây Philippines (NTF-WPS) thông tin về việc hơn 200 tàu, được cho là điều khiển bởi lực lượng dân quân biển Trung Quốc, xuất hiện tại khu vực Bãi Ba Đầu từ đầu tháng 3. Các tàu này bật đèn suốt đêm nhưng không hề đánh bắt.

Bãi Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V, có tổng diện tích khoảng 10km2, nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, là một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, tới ngày 31/3, Philippines cho biết khoảng 210 tàu Trung Quốc đã tủa đi các bãi đá ngầm và đảo khác. Kết quả giám sát trên không và trên biển mới nhất của phía Philippines vẫn ghi nhận khoảng 44 tàu Trung Quốc còn hoạt động trong khu vực.

Các nước gồm Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia, Canada đã bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.

Ở động thái liên quan mới nhất, theo tờ South China Morning Post ngày 8/4, Mỹ được cho là đã điều nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng biển tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Theo dữ liệu vệ tinh từ Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh, nhóm nhóm tác chiến này đã đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông từ cuối ngày 7/4 cho đến đầu ngày 8/4. Nhóm này gồm tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island và tàu đổ bộ USS San Diego.

Theo thông báo trên Twitter ngày 8/4, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết các thủy thủ trên tàu USS Makin Island đã tiến hành "tập trận bắn đạn thật". Ngoài ra, thông báo cũng đính kèm lời kêu gọi về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".

Xem thêm >> Mỹ liệt 7 công ty siêu máy tính Trung Quốc vào ‘danh sách đen’

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác