Trung Quốc không 'bỏ rơi' Triều Tiên?

Lê Anh - 29/12/2017 10:42 (GMT+7)

(VNF) - Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố nước này không xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên trong tháng 11, nhưng các vệ tinh do thám của Mỹ phát hiện tàu Trung Quốc chuyển dầu cho tàu Triều Tiên trên biển khoảng 30 lần kể từ tháng 10/2017, theo Telegraph.

VNF
Tàu Trung Quốc vẫn "lén lút" chuyển dầu sang cho Triều Tiên.

Tờ Telegraph đăng hình ảnh do vệ tinh Mỹ ghi lại, được công bố ngày 27/12, cho thấy các tàu của Trung Quốc và Triều Tiên đang xích lại gần nhau để chuyển nhiên liệu ở Biển Tây (Hoàng Hải). Thậm chí, các hình ảnh vệ tinh còn hiển thị tên của những con tàu này. Tuy nhiên, hình ảnh và thông tin trên chưa đủ xác tín và đang chờ phản hồi từ Trung Quốc cũng như Triều Tiên.

Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 9 cũng nghiêm cấm các nước giao dịch với tàu Triều Tiên.

Những hình ảnh do vệ tinh Mỹ ghi lại ngày 27/12.

Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng những con tàu trên dường như chuyển dầu mỏ bất hợp pháp trên biển để né tránh lệnh trừng phạt.

Bộ Tài chính Mỹ hồi cuối tháng 11 đã liệt 6 công ty vận tải và thương mại Triều Tiên cùng 20 tàu của nước này vào danh sách trừng phạt sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Ryesonggang 1 của Triều Tiên đã giao dịch với tàu Trung Quốc.

Trung Quốc "lá mặt lá trái"

Với sự ủng hộ của Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/12 đã thông qua gói lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên nhằm hạn chế nguồn cung cấp dầu thiết yếu chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Tuy nhiên động thái trên của Bắc Kinh được xem là bất thường vì họ vốn là đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng. Trước đó, Trung Quốc luôn "tránh né" yêu cầu cắt nguồn cung dầu cho Bình Nhưỡng từ phía Mỹ. Nước này lo ngại hành động này sẽ khiến chính quyền Triều Tiên sụp đổ hoặc kích động một sự đáp trả bạo lực từ phía Bình Nhưỡng.

Đường ống dẫn dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên hoạt động từ năm 1975.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, năm ngoái, Trung Quốc mỗi ngày cung cấp 6.000 thùng các chế phẩm từ dầu cho Triều Tiên. Còn dầu thô sẽ được dẫn qua một đường ống dài 30 km vắt ngang con sông Yalu nằm giữa biên giới hai nước. Đường ống này bắt đầu hoạt động từ năm 1975 với sản lượng trung chuyển khoảng ba triệu tấn mỗi năm.

Trung Quốc hiếm khi dừng cung dầu hoàn toàn cho Triều Tiên. Tháng 3/2003, Bắc Kinh chỉ không cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng trong ba ngày vì Bình Nhưỡng phóng tên lửa rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Theo ông Wang Peng, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Charhar của Trung Quốc, hầu hết số dầu Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên được sử dụng cho quân đội và phục vụ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hôm 22/12, tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi cấm xuất khẩu tới 89% sản phẩm lọc dầu cho Triều Tiên bằng cách giới hạn số lượng ở mức 500.000 thùng/năm, đồng thời cấm bán các thiết bị công nghiệp, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Triều Tiên.

Nghị quyết, do Mỹ soạn thảo, cũng giới hạn lượng xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng/năm và sẽ tiếp tục giảm nếu Bình Nhưỡng tiến hành đợt thử ICBM mới.

Hội đồng Bảo an còn yêu cầu các nước sử dụng lao động Triều Tiên phải buộc họ về nước trong vòng 24 tháng, cấm các nước vận chuyển lậu than và hàng hóa thuộc diện cấm của Triều Tiên bằng đường biển. Bên cạnh đó, nghị quyết cho phép các nước thành viên kiểm tra, thu giữ bất kỳ tàu thuyền nào trong lãnh thổ của mình bị phát hiện chuyên chở hàng cấm.

Đại sứ Nikki Haley của Liên Hợp Quốc mô tả loạt đòn trừng phạt mới sẽ bóp nghẹt nguồn cung cấp năng lượng của Triều Tiên và thắt chặt các chế tài chống buôn lậu.

>>Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng 'bơm' xăng dầu cho Triều Tiên

Theo Telegraph
Cùng chuyên mục
Tin khác