Trung Quốc phục hồi chậm chạp: 'Con đường chông gai' cho DN toàn cầu

Quang Đăng - 02/08/2024 15:39 (GMT+7)

(VNF) - Các chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh cho đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang ngày càng cảm thấy khó khăn do sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc, và đang chuẩn bị cho chặng đường đầy chông gai phía trước.

Tăng trưởng chậm lại

Sự suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản và tình trạng bất ổn việc làm ở mức cao đã làm suy yếu đà phục hồi mong manh của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và tác động của sự suy thoái này có thể cảm nhận được trên phạm vi toàn cầu.

Nhà sản xuất ô tô General Motors và các công ty công nghệ bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nằm trong số những công ty đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy yếu của quốc gia này.

Nền kinh tế 18,6 nghìn tỷ USD của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến ​​trong quý II.

Các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thúc đẩy được tiêu dùng và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã khiến người tiêu dùng ít có khả năng chi tiêu hơn.

"Đây là một thị trường khó khăn và thành thật mà nói, nó không bền vững, bởi vì số lượng các công ty thua lỗ ở đó không thể tiếp tục vô thời hạn", bà Mary Barra, Tổng giám đốc điều hành của General Motors cho biết vào tuần trước khi bộ phận sản xuất ô tô tại Trung Quốc chuyển từ động lực tạo ra lợi nhuận sang gánh nặng tài chính của công ty.

Nền kinh tế 18,6 nghìn tỷ USD của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến ​​trong quý II và các hộ gia đình thận trọng đang tích lũy tiền tiết kiệm và trả nợ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng vào tháng 6 và các doanh nghiệp đã giảm giá mọi thứ từ ô tô đến thực phẩm và quần áo.

Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng suy thoái, Trung Quốc tháng trước đã công bố các biện pháp có mục tiêu mạnh mẽ nhất nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước vốn phục hồi mờ nhạt kể từ đại dịch Covid-19.

Các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố họ sẽ phân bổ 300 tỷ nhân dân tệ (41,5 tỷ USD) vào trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn để mở rộng chính sách trao đổi và nâng cấp thiết bị hiện có. Nhưng điều đó vẫn chưa làm giảm bớt những lo ngại.

Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng trừ khi có sự thay đổi về mặt cấu trúc giúp người tiêu dùng có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, con đường hiện tại sẽ gây ra rủi ro về một giai đoạn trì trệ kéo dài và nguy cơ giảm phát dai dẳng.

Bà Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu của LPL Financial, cho biết: "Có một mối lo ngại sâu sắc rằng Bắc Kinh không đưa ra loại biện pháp kích thích giúp mở rộng cơ sở kinh tế. Các công ty Mỹ ngày càng khó có thể coi thị trường Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy”.

Con đường chông gai

Trung Quốc vẫn là lực cản đối với Apple. Quý trước, doanh số của nhà sản xuất iPhone đã giảm mạnh hơn dự kiến lên tới ​​6,5% tại quốc gia này, chiếm tới 1/5 tổng doanh thu của hãng.

Gã khổng lồ mỹ phẩm Pháp L'Oreal cho biết thị trường mỹ phẩm Trung Quốc sẽ vẫn có xu hướng tiêu cực trong nửa cuối năm 2024 mà không có sự cải thiện rõ rệt nào về mặt tâm lý.

Một người phụ nữ đi bộ trên phố mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/4/2024. (Ảnh: REUTERS/Tingshu Wang)

Doanh số của các công ty tiêu dùng khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm McDonald's và Procter & Gamble. Trong khi nhu cầu du lịch trong nước yếu đã thúc đẩy cảnh báo doanh thu từ chuỗi khách sạn Marriott.

Sự tăng trưởng chậm chạp cũng thể hiện rõ qua kết quả không mấy ấn tượng của các nhà sản xuất hàng xa xỉ như LVMH của Pháp và Kering (chủ sở hữu Gucci) và cảnh báo lợi nhuận từ Burberry và Hugo Boss.

"Thế giới ngạc nhiên trước sự yếu kém về mặt kinh tế của Trung Quốc trong năm nay", ông Marc Casper, CEO của nhà sản xuất thiết bị y tế Thermo Fisher cho biết.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài từ Tesla đến BMW, Audi và Mercedes đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến giá cả khốc liệt ở Trung Quốc sau khi nhường thị phần cho các nhà sản xuất xe điện trong nước, dẫn đầu là BYD, cung cấp các mô hình công nghệ cao, chi phí thấp.

Chỉ số MSCI World with China, theo dõi 52 công ty có doanh thu cao từ Trung Quốc, đã tăng 11,6% trong năm nay, không chênh lệch nhiều so với mức tăng 12% của chỉ số chung về cổ phiếu toàn cầu của MSCI.

Tuy nhiên, phần lớn hiệu suất của chỉ số tập trung vào Trung Quốc là nhờ vào sự gia tăng của cổ phiếu bán dẫn, bao gồm Broadcom và Qualcomm được hưởng lợi từ nhu cầu do AI thúc đẩy.

Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng một số chính sách trong nước đã gây thêm khó khăn cho các công ty đa quốc gia.

Lệnh hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn của Mỹ đối với việc chia sẻ công nghệ chip cao cấp với Trung Quốc cũng đang cản trở các nhà sản xuất làn ăn tại một trong những thị trường bán dẫn lớn nhất.

Qualcomm cho biết doanh thu của công ty bị ảnh hưởng do lệnh hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ, làm lu mờ dự báo lạc quan của công ty.

Theo Reuters
Mỹ bất ngờ hoãn áp thuế mới với loạt hàng nhập khẩu Trung Quốc

Mỹ bất ngờ hoãn áp thuế mới với loạt hàng nhập khẩu Trung Quốc

Tài chính quốc tế
(VNF) - Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 30/7 cho biết một số mức tăng thuế mạnh của Mỹ đối với một loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm xe điện và pin, chip máy tính và sản phẩm y tế sẽ bị trì hoãn ít nhất hai tuần.
Cùng chuyên mục
Tin khác