Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Thanh Tú - 28/09/2021 20:59 (GMT+7)

(VNF) - Trước tình trạng thiếu năng lượng và sản lượng công nghiệp giảm mạnh, Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 8,2% xuống 7,8% trong năm nay.

VNF
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 7,8% trong năm 2021.

Thiếu điện trầm trọng

Việc giá than tăng phi mã khiến các nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc không muốn tăng sản lượng điện trong khi nhiệt điện vẫn chiếm khoảng 60% sản lượng điện của nước này.

Ngoài ra, thời tiết khô hạn cũng khiến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện giảm sút.

Trong khi đó, thời tiết nóng bất thường ở một số khu vực của Trung Quốc đã đẩy cao nhu cầu tiêu thụ điện. Theo Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc, lượng tiêu thụ điện ở miền Nam nước này trong 6 tháng đầu năm nay tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc cũng có nguyên nhân trực tiếp từ việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cố gắng đảm bảo Trung Quốc sẽ có bầu trời trong xanh tại Thế Vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022, đồng thời nó cũng thể hiện với quốc tế rằng chủ tịch hoàn toàn nghiêm túc với mục tiêu giảm các bon hóa nền kinh tế.

Loạt yếu tố này đã khiến Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2011, năm mà hạn hán và giá than tăng vọt khiến 17 tỉnh thành ở nước này phản hạn chế việc sử dụng điện.

Theo CNN Business, tình trạng này đang gây áp lực lớn lên lưới điện quốc gia và có thể kéo dài đến cuối năm.

Đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng

Để đối phó với tình trạng này, Trung Quốc đã siết chặt tiêu thụ năng lượng bằng cách triển khai chính sách cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm ở nhiều khu vực, trong đó có những địa phương giữ vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, như các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông.

Điều này diễn ra giữa bối cảnh các nhà sản xuất đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu gia tăng hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm. Thêm vào đó, họ cũng phải vật lộn với các nguồn cung đã bị thắt chặt do chi phí nguyên liệu tăng cao, sự chậm trễ kéo dài tại các cảng và tình trạng thiếu container vận chuyển.

Ở vùng đông bắc nước này, các nhà máy đã phải ngừng hoạt động để tránh vượt quá giới hạn tiêu thụ điện do Bắc Kinh áp đặt. Các chuyên gia kinh tế và nhóm môi trường cho biết các nhà sản xuất đã sử dụng hết hạn ngạch tiêu thụ điện của năm nay nhanh hơn kế hoạch, do nhu cầu xuất khẩu tăng trở lại vì đại dịch Covid-19.

Tỉnh Quảng Đông, một trung tâm của ngành sản xuất chiếm hơn 10% GDP của Trung Quốc, đã phải cắt điện luân phiên khiến một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất một vài ngày một tuần.

Eson Precision Engineering, một chi nhánh của nhà sản xuất đồ điện tử Hồng Hải (thuộc Foxconn), hồi cuối tuần qua công bố các cơ sở ở thành phố Côn Sơn (tỉnh Giang Tô) của họ sẽ ngừng sản xuất từ 26/9 đến 1/10 bởi quy định hạn chế cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp của giới chức địa phương.

Ngoài ra, công ty cho biết họ sẽ điều chỉnh hoạt động sản xuất trong cuối tuần này hoặc trong những tuần kế tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nhà cung cấp Unimicron Technology Corp của Apple vào cuối ngày 26/9 cho biết 3 trong số các công ty con của họ tại Trung Quốc đã ngừng sản xuất từ trưa ngày 26/9 cho đến nửa đêm ngày 30/9 để "tuân thủ chính sách hạn chế sử dụng điện của chính quyền địa phương."

Nhiều nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip cho Itel, Nvidia và Qualcomm cũng đã nhận được thông báo ngừng sản xuất tại nhà máy của họ tại Giang Tô  trong vài ngày. Ngành điện tử thế giới vốn đã khó khăn vì thiếu chip giờ lại càng thêm chật vật vì thiếu điện.

Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 

Trước tình trạng thiếu năng lượng và sản lượng công nghiệp giảm mạnh, Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 8,2% xuống 7,8% trong năm nay.

Goldman Sachs ước tính rằng có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, dẫn đến mức tăng trưởng GDP trong quý III/2021 giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Việc siết chặt tiêu thụ điện cũng đang khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc suy yếu trong bối cảnh kinh tế nước này đang có dấu hiệu suy thoái. Nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với những hạn chế trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ cũng như những lo ngại xung quanh tương lai của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande.

Theo Goldman, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những bất ổn đáng kể trong quý cuối năm 2021 liên quan tới cách chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng của Evergrande, các mục tiêu về môi trường nghiêm ngặt hơn và mức độ nới lỏng chính sách.

Xem thêm >> T&T đạt thỏa thuận mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V

Theo Nikkei, Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác